Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020


"Vàng tuôn mấy lối ngày thu muộn...

 

...Lá đổ sau chân một lối vàng"  (Thơ Đỗ Hữu)



Đỗ Hữu là một nhà thơ tiền chiến Việt nam bị lãng quên - không phải Đỗ Phủ 杜甫 (712-770) thời Đường. 😐

Người ta không biết gì nhiều về ông ngoài hai bài thơ “Chiều Việt Bắc” và “Sầu Ai Lao” được in trong phần phụ lục cuốn "Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan của Bùi Giáng (NXB Tân Việt, 1957), với nhận xét rằng thơ ông "hay hơn cả thơ Quang Dũng". (Nguyễn ngọc Chiến).

Chiều Việt Bắc

Nắng xuống phương nào người thấy không?
Mà đây chiều tím rụng song song
Vàng tuôn mấy lối ngày thu muộn,
Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong?

Khói thuốc lên mờ xanh bóng ai
Phương xa chiều xuống ngút sông dài
Đường kia có phải sầu xưa đọng?
Trở bước, hoa lau trắng ngập đồi.

Con đường đất đỏ mờ sau bản
Thung lũng vàng lơ, nắng trở chiều.
Núi biếc chập chùng vây ải lạnh
Dặm về lá đổ phấn tàn xiêu.

Rừng núi âm u chiều Việt Bắc
Chầy ngày lạc bước, ai ngồi than.
Buồn xưa chiều đọng sầu lau lách.
Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường

Sầu Ai Lao

Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt,
Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng.
Lá vẫn pha chàm trên sắc áo,
Mưa nguồn thác đổ đá mù sương.

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào
Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.

Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu!

Ở đây hơi đá chiều vây khắp,
Khép chặt mình tôi giữa núi rừng.
Buồn quá ngày đi, đêm trở lại,
Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng.

Người có theo tôi lên dốc nắng,
Nhìn xem hoa rải sắc trên đường.
Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm,
Lá đổ sau chân một lối vàng.
                                 (Đỗ Hữu)


Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Che.

_____

"...Giọt gì rớt giống giọt Ngâu

Hình như tháng bảy trên đầu thả mưa..."

                                       (thơ Quang Dương)


Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Mồng tơi.
_____
"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái cọng mồng tơi xanh zờn"
                                             (NB)



Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Màu hồng!

Bông hồng mới chụp sáng nay. Màu hồng của giống Martin Frobisher thật mịn và êm. Nó là một giống hồng bụi, có mùi thơm dịu, màu hồng nhạt. Người ta lai tạo nó vào hồi cuối thập kỷ 60. Không phải là giống mắc tiền lắm mặc dù thơm và màu hồng đẹp, vì nó nở nhanh tàn và hay bị cuốn lá vào cuối mùa thu.

Để ngắm nhìn được màu sắc từ rực rỡ tới óng mượt hay dịu êm...mắt người có các tế bào cảm thụ nằm ở phía sau con mắt. Trong lớp Võng mạc đó có 2 loại tế bào cảm thụ ánh sáng: Nón và Que. Tế bào Que nhiều hơn, tới chừng 125 triệu. Tế bào Nón ít hơn, chỉ chừng 6 triệu nhưng nó chịu trách nhiệm về việc cảm thụ màu sắc. Có 3 nhóm tế bào Nón, mỗi nhóm nhạy cảm với 1 loại bước sóng chính, tạo nên cảm nhận màu riêng (Xanh – vàng – đỏ)

Các bức xạ ánh sáng thấy được thường có bước sóng từ gần 400 tới hơn 700nm. Bức xạ ánh sáng có bước sóng 430nm sẽ kích thích nhóm tế bào nón có cảm thụ màu xanh dương, nhờ vậy người ta thấy màu xanh dương. Tương tự là bước sóng 530nm với Màu vàng, và 600nm với màu đỏ.

Ví dụ, nếu các cảm thụ của nhóm tế bào nón nhạy cảm với bước sóng quanh 600nm mà không chịu làm việc thì võng mạc của người đó không nhận biết được đó là màu đỏ. Giống như vậy với hai màu còn lại. Người bị bệnh mù màu có thể chỉ mù 1 màu, có thể mù hai màu và có thể mù cả ba màu. Tùy theo số lượng tế bào nón bị tổn thương mà bệnh biểu hiện nhẹ hay nặng.

Ai không thấy màu hồng của đoá Martin dưới đây thì có khả năng người đó bị mù màu.
Nhưng có khi trước mắt xảy ra sự việc nào đó mà người ta không nhận biết được thì lỗi không chỉ ở các tế bào nón, đôi khi nó ở các tế bào não khác.



 



Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Vocabulary tiếng Truồi
_____

Bôn: bông (hoa).
Chắc: một chắc là một mình.
Chừ: bây giờ.
Côi: ở phía trên.
Cồi: phần lõi.
Cươi: sân trước.
Đái mế: đái dầm
Độn: động, núi. Động Truồi is a mountain in Vietnam and has an elevation of 997 meters.
Hè: Sân sau (sau hè) hay bên hông nhà (ngoài hè).
Hè: này, từ đệm? Vd: ăn hè, vui ghê hè
Hí: nhé, nhỉ. 
Hột: hạt.
Lôn: Trồng (người nước ngoài cẩn thận, phát âm không được có dấu huyền)
Mềnh: mình, chúng ta.
Mi - tau: Anh - tôi / Mày - Tao
Mo cau: Bẹ của lá cau hay bông cau.
Mô: đâu
Mọt: mọc.
Mơi: ngày mai, sớm mai.
Muối hột: là hạt muối to từ ngoài ruộng muôi mang vô, chưa rang và xay ra cho mịn gì cả.
Mự: Mợ hay Mụ.
Ni: nay.
Nì: nè, này.
Nớ: đấy, đó.
Ôn: ông
Rào: sông.
Răng ri: (Làm) như thế nào vậy?
Ri: vậy. Làm như ri nì.
Rú: rừng trong núi.
Tau: tôi / tao.
Tê: kia.
Tề: 
Trốt: cái đầu
Trốt cúi: đầu gối
Vút: vo (gạo)
Xạ: Xã. Làm tới chức gì trong xã như Xã trưởng thì gọi là ông xã.

___
Còn cập nhật

Tết Đoan Ngọ III
_____

Mít nhà Ôn Nội ở Truồi có trồng 2 loại: mít ướt và mít ráo. Mít ráo múi vàng nhìn rất đẹp mắt, ăn dòn sựt và ngọt nên dân gian có câu ngon như múi mít. Hồi nhỏ nghe thì tưởng vậy, nhưng lớn lên mới biết là người ta không nói mít ngon mà nói cái khác ngon như múi mít... Múi mít ngon là nó phải vàng, ngọt và dòn sựt sựt. Xơ cái, là những múi mít lép, nhỏ, không có hạt, cũng ngọt. Nghe nói mít mật thì khi cắn cái là còn thấy nước trong thịt ứa ra ngọt quyện với miếng mít khi nhai, mà hồi đó chưa ăn. Cái phiền khi cắt trái mít, ngán nhất là mủ mít. Ta nói mủ mít dính vào tay khó rửa, dính vào dao thì như muốn bỏ đi, phải dùng dầu hỏa hôi thiệt là hôi hay thọc vào gạo (gạo hồi xưa xay tay nên còn nhiều cám) nói chung rất là vất vả. Còn không may dính vào áo quần thời đó thì ôi thôi rồi. Mấy cái áo bị mấy vệt xám nâu hay xám đen thì không là mủ chuối cũng mủ mít.

Mít ướt, nhất là mít ướt chín cây thì khỏi nói. Nó rất ít mủ, ăn thơm và mềm ngon ngọt chi lạ. Chỉ cần cắt nhẹ dọc vỏ quả mít, lấy tay cầm cái cuống lôi cái cồi, rồi banh ra là đánh chén. Bốc tay luôn, khỏi dao nĩa gì ráo. Ăn không cũng đã ngon rồi, mà chịu khó giã một ít ớt trái chín đỏ với muối hột mà chắm nữa thì... Hột mít ướt to và không dính vào thịt nên không sợ nuốt nhầm trong cơn say ăn uống như hột dâu. Mít Tố nữ trái nhỏ ít múi hơn, múi nó mềm nhưng không nhão ra như mít ướt và khi kéo cái cồi thì cả chùm múi mít lúc nhúc lít nhít bám theo cồi, để cái vỏ với xơ lại.

Cồi mít đem luộc, cắt ép thành từng miếng mỏng, ướp rồi mang chiên, làm chả chay, giống như thịt vậy. Xơ mít và phần trong của vỏ mít dùng kho cá nục hay cá đối, có khi nó còn ngon hơn cả thịt cá luôn.

Hột mít rửa sạch, rạch một khía trên vỏ rồi đem hấp cơm. Ai siêng đem nướng hay luộc rồi bóc vỏ ăn. Hoặc luộc xong bóc luôn vỏ lụa đem nấu chè như nấu chè đậu xanh đánh vậy. Có một loại đường Oligosacarit trong hột mít, do kích thước phân tử khá lớn nên nó không được hấp thu hết ở phần trên của ruột, xuống tới ruột già thì hệ vi khuẩn đồi dào ở đây sẽ tiêu thụ chúng và sản sinh ra một lượng lớn khí khá nhiều. Mấy đứa con nít hay chọc nhau:
"Ăn hột mít địt tầm phào - Ra ngoài rào địt cái ộn - Vô trong độn địt cái rầm - xuống dưới hầm địt cái tút".

Mấy Chú quen trong xóm chỉ cách phân biệt, trái mít non nào mà đầy phấn vàng bám trên vỏ là trái mít không thụ phấn để lớn thành trái được, nó sẽ vàng rồi héo đi gọi là mít cám hay dái mít. Dái mít chừng lớn hơn ngón chân cái người lớn, được các cháu xắt mỏng trộn với muối ớt và ít vị tinh... Chào ơi! nó không khác gì đĩa gỏi cả. Vậy chớ mà hỏi cây nào là mít ráo, cây nào là mít ướt thì chịu. Phải hỏi Mệ, Mệ nhớ cây nào trồng ở đâu.

Sau mấy hôm bão, cây cối trong vườn gãy được gom lại để nắng lên phơi khô làm củi. Mấy trái non rụng thì bỏ, không làm gì được ngoại trừ đu đủ non, chuối non là có thể tận dụng làm thức ăn cho người hoặc gia súc. Mít non cũng vậy, trái chừng cái đầu người thì chưa kịp chín, cắt bỏ vỏ, thái lát mỏng nấu canh làm gỏi hay xào. Giờ nghĩ lại vẫn còn nhớ tới vị lá lốt xắt nhỏ trong đó... Vậy không biết mít ngon hay lá lốt ngon ta?

Thường vỏ mít được bỏ cho heo, bò ăn. Có lần mình lấy 1 miếng to mang phơi khô rồi quỳ gối lên đó. Bị nghe kể là ở trường có mấy ông thầy bắt học trò quỳ gối lên vỏ mít để phạt cái tội gì đó, mình sợ sợ quá nên tự làm để quỳ trước thử cho có cảm giác.

Cái lá mít thì nhỏ nhưng trơn láng, không có lông hay gai nên có khi đang chơi ngoài đồng, không kịp về nhà lấy giấy thì mình cũng đã vài lần dùng tạm nó. Cũng tốt, không tới mức "Trạm xá khuyên dùng" nhưng không thể đòi hỏi gì hơn trong những điều kiện như vậy. Lớn lên chút thì nghe người lớn hay mắng "chữ nghĩa không bằng cái lá mít mà cũng bày đặt" cho nên mình đoán ra là ngày xưa lâu lắm rồi, thời chưa có giấy người ta lấy lá tre viết lên lá mít nên mới có "bút lá tre" nữa. Có mấy chú lấy dao khắc đục lên lá mít thành những tác phẩm nghệ thuật rồi để khô xong ép vào tập trông ấn thượng lắm, không thua gì lá thuộc bài hay hoa phượng hết. Hồi học cuối cấp 3, viết lưu bút gì đó mình cũng tính làm vậy nhưng suy đi nghĩ lại, thôi. Nhỡ cái con đó nó mang cái lá ra khoe ai, người ta nói "đẹp ghê hí, làm bằng lá chi ri", không lý phải dặn nó nói là lá thuộc bài!

Hồi đó có một cây mít lão, nó già rồi, mấy Ôn nói không ra trái nữa thì đốn đi. Rứa là trai làng xúm nhau lại, chặt nhánh, cưa, đốn...um sùm lên cả hai ngày. Mấy chú đào cả cái gốc lên trông rất ngộ. Gỗ mít không quý như gỗ lim để làm phản và tủ kệ trong nhà, nhưng xẻ dọc thân mít ra thì mùi nó rất thơm, ruột cây vàng ươm. Trong ruột gốc mít thì cái vân nó rất lạ, nó sít lại và uốn lượn nhiều hơn vân trên thân, nhìn như ai vẻ tranh trừu tượng gì đó. Cưa ngang thân mít thì không có gì, nhưng khi cưa dọc thì quang cảnh rất là "hoành tráng". Người ta dựng xéo thân mít lên so với mặt đất, phía đầu cao thì một chú trèo lên cái giàn rất cao, phía đầu thấp thì một chú đứng dưới đất. Hai người cầm một cái cưa thiệt là dài, dài chừng bằng hoặc hơn thân mít luôn. Người cao người thấp cò cưa để xẻ thân gỗ ra thành từng tấm gỗ mỏng hơn. Sau phần gỗ mít đó làm gì thì mình không nhớ.