Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Làng Truồi

Núi Ấn Lĩnh, Sông Hưng Bình



Search trên Google thì đúng là tìm ra được
cái tên gốc của Núi Truồi liền, hay thiệt. Ngày đó, nghe Mụ Bích nói Núi Lĩnh, sông Hưng mà cứ ngỡ Mụ nhớ lộn "núi Lĩnh sông Lam" ngoài xứ Nghệ, vì hồi trước Ôn Nội có ra làm quan Tri Huyện một dạo ngoài Huyện Kỳ Anh.

Ngoại trừ vài truyện ngắn hiếm hoi như "Tôi đi học" là có chút nắng ngày đầu Thu của mùa tựu trường, nhưng lại không phải viết về Huế, còn lại mấy truyện về Huế hay Truồi mà Thanh Tịnh viết đều nặng nề và tối. Hết cái tối và mưa lạnh của đêm mùa đông trên con đường gần Ga Truồi, đến cái tối và bí ẩn bao trùm làng Truồi cùng cánh rừng quanh ngọn núi Ấn
ngày ấy có người đàn ông "ngậm ngãi tìm trầm" biến thành cọp. Cả đến ngày Tết mà ông cũng chỉ vẽ ra có vài ánh đèn leo lét trên mặt sóng đầm Cầu Hai đêm ba mươi.

Khác với ký ức của Ba về làng Truồi thì con sông Hưng lấp lánh ánh nắng, chảy dài ngang qua làng Đông Di là quê Nội, qua cầu Truồi tới làng Sư Lỗ Đông là quê Ngoại. Sông tuy nhỏ nhưng nước bao giờ cũng trong xanh cả. Bên này sông là xã Lộc Điền, bên kia sông là xã Lộc An. Những ngày mưa mùa đông, dù nước sông Hương có vàng đục lại thì về ngang cầu truồi vẫn thấy nó còn xanh. Cầu Truồi không lớn, có lẽ vì nó chỉ làm cho tàu hỏa chạy qua mà thôi, nhưng xinh xắn và trông giống như cầu Trường Tiền tuy có ít "vài" và ít "nhịp" hơn, nằm cạnh bên cây cầu đường bộ.


Cầu Truồi

Con đường làng chạy dọc hai bên bờ sông Truồi ngày ấy mặc dù đầy đá nhưng hai bên đường xanh mướt bóng tre, những bụi mâm xôi xem lẫn vài cây ngũ sắc và vẫn còn một lối nhỏ đất thịt bằng phẳng ven bờ cỏ cho người đi bộ hay xe đạp.
Có điều ngộ là lớp đá lát trên con đường từ Ga Truồi đi lên phía làng Đông Di thì nhỏ và nhọn, nhưng từ Ga Truồi đi về phía về làng Sư Lỗ thì tròn và to, gần bằng trái dừa. Người qua lại trên đường tấp nập cả buổi sáng và buổi chiều, những gánh chè tươi đã được bó lại, những gánh khoai sắn mới đào lên hôm qua, những gánh cây trái mới hái từ trong vườn, những tảng bột lọc trắng phau gói trong lá chuối...kỉu kịt hướng xuống chợ, về thì tôm cá, rau đậu, quà bánh. Người ta đi bộ và dùng quang gánh hoặc giỏ xách để đựng đồ. Tiếng chào nhau không ngớt như là ai cũng quen nhau ở cái làng nhỏ bé này: "Chào Bác, Chào cụ, Chào Ôn"...Có khi câu chào chỉ cụt ngủn: "Mự (mợ), Cậu...Câu trả lời đôi khi cũng vậy: "Dạ, Ời...hoặc dài hơn: "Chà, gánh chi mà nặng rứa hè? Cá bữa ni rẻ khôn O?"...


Xuôi giòng

Vườn Ôn Nội nằm sát bờ sông, có một cái bến sông bằng cement nằm cạnh gốc đa nho nhỏ. Hầu như mỗi nhà đều có một bến sông nhưng năm hay bảy bến mới có một bến sông lớn mà cả xóm tới dùng. Buổi chiều là bắt đầu có đông người xuống bến tắm giặt. Đa phần là các cô các bà mang từng thau áo quần, có khi cả chiếc chiếu xuống giặt. Những thằng nhóc và con bé cũng được lôi theo để mẹ chúng tắm táp và kỳ cọ. Thi thoảng mới có một thanh niên trong đám họ. Tiếng cười nói, kể chuyện, trẻ con nô giỡn, tiếng giũ áo quần dưới nước, đôi khi vang lên tiếng của chiếc chiếu (được gấp lại) đập xuống mặt nước bành bạch. Vài chiếc đò dọc lặng lẽ chèo qua. Một chiếc cắm sào và neo lại giữa giòng để giăng lưới hay làm gì đó không biết.

Khu đất nhà Ôn hình chữ nhật, bề ngang giáp bờ sông, bề dọc một bên giáp vườn (không nhớ của nhà ai, chỉ nhớ có nhà Mụ Lòn bán bánh canh ngon lắm) một bên là con ngỏ dài dẫn ra bến sông. Từ bến sông đi vào, bên trái ngỏ là vườn nhà ông Đội Cung, vào tí nữa là nhà ông Xạ Hương, vào sâu nữa là nhà gì thì quên mất rồi, chỉ nhớ gần cuối ngỏ là nhà của chú Lùn, chú Vồ, trước khi qua một khu vườn rộng để vào một con đường khác. Nhà Ôn xây chính giữa khu đất, lưng quay ra hướng bờ sông, phía trước nhà là một cái sân và vườn trước, sau nhà là vườn sau. Cổng nằm bên trái nhà, tức là trổ ra con ngỏ, đối diện cổng nhà ông Xạ Hương.

Cả vườn trước và sau của Ôn đều trồng chè. Gốc chè được trồng cách nhau độ chừng non hai mét, cao cũng chừng hai mét. Thân to cở bắp tay, loang lỗ các mảng vỏ trắng xám như rêu khô. Từ những thân lâu năm này mọc ra nhiều nhánh non nhỏ. Lá chè được hái từ các nhánh này hai hay ba lần gì đó trong một năm. Người hái mang một cái gùi nhỏ, đứng trên thang thấp hoặc trên mặt đất dùng tay tước độ năm đến mười lá trên mỗi nhánh, chừa lại cái lá búp và một lá non trên ngọn. Sau khi gom lá chè hái được thành một đống, người ta sẽ phun nước để giữ cho lá luôn tươi trước khi bó lại thành từng bó vuông vức cỡ chừng gang tay bằng sợi lạt tre.


Hoa Chè, Ba chụp trong vườn nhà Nội ở Đông Di, Truồi, năm Bà Nội mất

Hoa chè nở vào cuối năm (không biết có nhớ tầm bậy không?), nụ tròn và xanh như nụ hoa đào, cánh cũng trắng nhưng nhụy lại có màu vàng mơ. Hoa chè không thơm lắm nhưng đẹp. Khi kết trái, hình dáng cũng ngộ nghĩnh, nó như 3 hạt đậu phụng dính nhau ở giữa kiểu chiếc lá me 3 cánh. Mùa hè thì trái chín, tách vỏ ra
được ba hạt tròn màu nâu như ba hòn bi nhỏ. Hồi nhỏ không có bi thủy tinh, lấy tạm hạt chè chơi cũng được nhưng hơi nhẹ, bắn không đã lắm. Nhiều người khen nước chè nhưng thực tình mà nói thì Ba thấy nước chè xanh hơi khó uống hơn trà.


Dâu còn xanh trong vườn nhà Ôn
Nội.

Ở vườn trước, gần lối vào cổng Ôn có trồng một cây dâu, vườn sau cũng có một cây. Thân cây cao to cứ như là cây cổ thụ nhưng cành mềm, dễ gãy nên không ai dám trèo. Lạ là hoa mọc từ thân cây thành từng chuỗi vàng rất thích mắt, từ dưới gốc mọc lên không chừa chỗ nào. Những chuỗi này kết thành từng chùm trái chi chít cây nên càng khó trèo hơn. Trái dâu khi chín vỏ màu vàng, mỏng, bên trong có ba đến bốn múi, vị ngọt thanh, có khi hơi chua. Trái này sấy khô thì khó chứ đóng hộp thì chắc là ngon tuyệt.

Ngoài chè và dâu thì Truồi vẫn có nhiều thứ ngon lắm, như bột lọc, mít, quýt, thanh trà, ổi, mía...Không biết Ba nói có đúng không hay tại vì thuở nhỏ thì thấy cái gì cũng ngon cả.

Rảnh Ba viết tiếp, giờ con đọc tạm mấy cái link của bác Nguyễn Trường và cô Kim Ngọc để biết thêm về Truồi.

http://nguyentruongvn.com/Home/NewsDetail.aspx?newsid=32

CHÈ XANH LÀNG TRUỒI

Hồi xưa, tất cả các làng quê dưới chân núi Ấn Lãnh, dọc theo hai bờ sông Hưng Bình đều gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi. Từ cái làng Truồi "gốc" ấy mà không biết từ bao giờ đã "Truồi hóa" núi Ấn sông Hưng thành núi Truồi sông Truồi và cả một vùng đất rộng người đông này thành địa danh xứ Truồi hiện nay. Giờ đây những ông già bà cả trong vùng vẫn quen gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi, làng của nhiều loại cây trái, trong đó cây chè xanh được xem là cây đặc sản của một vùng đất vì hương vị độc đáo riêng biệt của nó. Và không ai lạ gì trong các buổi chợ ở đây, người mua chè thường giành mua trên tay nếu mặt hàng này từ làng Truồi đem bán. Cũng khỏi cần hỏi tới hỏi lui, chỉ nhìn qua là biết chè làng Truồi để mua rồi. Khi nâng bát nước chè xanh lên môi nhấp một ngụm, người sành điệu có thể phân biệt được đâu là chè xanh làng Truồi với các làng khác trong vùng.

Chè xanh khắp làng Truồi đều được tiếng như thế. Nhưng không phải nơi nào trong làng chè xanh cũng có hương vị giống nhau. Cùng là chè làng Truồi cả, thế mà phải là chè Phủ mới có hương vị độc đáo. Phủ là một khoảnh đất bằng phẳng rộng chừng 6 ha chuyên canh cây chè, tiếp giáp với đồi núi cuối làng. Người đi mua chè lứa của các chủ vườn thường chọn mua cho được chè Phủ. Đã là chè Phủ thì không chê vào đâu được. Cây chè cứ mơn mởn, sây lá đều nhau từ gốc đến ngọn chỉa lên trời. Dưới nắng sớm mai, lá chè xanh vàng đến mát mắt, làm cho những cô gái hái chè cảm thấy "sướng tay", hứng lên hò đưa tình đối đáp với nhau không biết chán là gì.

Muốn chọn lá chè để nấu uống, người làng Truồi bao giờ cũng chọn lá chè ở chính giữa vườn, nơi cây chè không bị che khuất ở trên. lá chè phải nhỏ bản, có màu vàng non, tươi mà giòn, thì nứoc chè mới cho màu sắc vàng xanh, uống vào hơi chát mà ngọt mãi nơi cổ họng.

Chọn được lá chè vừa ý rồi mà không có nước nấu vừa ý thì cũng bằng không. Nước nấu chè xanh mà dùng nước giếng có chút nhiễm phèn thì coi như bỏ. Bây giờ người ta dùng nước máy đun sôi để pha chè. Còn ngày xưa người ta cho rằng đã là chè Truồi thì phải nấu với nước sông Truồi mới "đúng điệu" của nó.. Và để có nước sông Truồi như thế, người ta phải dùng trái bầu khô, bơi ra chính giữa dòng lấy nước về. Nước nấu bằng nồi đất nung. Chè rữa sạch, vò sơ, cho vào ấm sành. Nước sôi đổ vào lắc đều, chắt bỏ nước đầu, chỉ dùng nước thứ hai. Trong ấm chè không nên thêm gừng, vì mùi gừng sẽ khử mất mùi thơm tự nhiên của chè xanh. Nước chè pha ra cái bát sành để thật nguội uống mới đã cơn khát. Hương của bát nước chè xanh làng Truồi tỏa ra thơm thơm, uống vào thấy chát chát ngọt ngọt, khiến những ai quen dùng cứ nhớ, thành "nghiện, ăn xong mà không có bát nước chè xanh là không chịu được...

DÂU TRUỒI

Trong nhiều loại trái cây có hương vị ngọt ngào, thơm ngon ở đây thì dâu Truồi được xem là loại trái cây đặc trưng của xứ Truồi mà khách trong nam ra, ngoài bắc vaò đều biết tiếng. Hằng năm cứ đến tháng 5 âm lịch là mùa dâu chín rộ. Trong một chùm dâu sai quả thì quả nào có điểm son là quả ngọt nhất. Vị ngọt của dâu điểm son khó so sánh được với bất cứ vị ngọt của một loại trái cây naò khác. Người ta nói, ăn quả dâu tiên xứ Truồi thì "ngậm mà nghe", nghe hết cái tinh chất của thiên nhiên chắt lọc từ một mạch đất mà tạo nên cái vị ngọt độc đáo kia. Ăn nhiều quả dâu tiên người ta thấy mát ra, và có lẽ vì thế nên thiên nhiên cho loài trái cây này chín đúng vào giữa mùa hè. Những chủ vườn dâu thường bận rộn chăm sóc lúc dâu chín, đề phòng chim chóc phá hại. Khi thu hoạch dâu cây nào, người ta hái hết cây ấy, vì nếu hái lẻ tẻ vài chùm rồi bỏ đó thì cơ hồ như đêm đến loài dơi sẽ tìm tới ăn sạch. Mùa dâu chín, con buôn kéo nhau đến ngã giá từng cây để mua sĩ rồi đem chợ bán. Đây là mặt hàng trái cây bán chạy, có lãi nên rất đắt khách. Xưa nay ở Truồi đến mùa dâu chín, quả dâu được dùng làm quà để đi thăm người thân ở xa ; học trò dùng đi thăm thầy nhân kỳ nghỉ hè ; là lễ vật cúng gia tiên nhân tết Đoan Ngọ. Và đặc biệt trong lễ ăn hỏi giữa nhà trai và nhà gái, gặp mùa dâu chín, quả dâu là lễ vật được" nhân cách hóa" theo một ý nghĩa độc đáo để hai bên su gia có thể gởi gắm nỗi lòng của nhau. Nếu nhà trai ở Truồi đi hỏi vợ vùng khác thì người ta mang theo lễ vật, trong đó có một khay dâu chín mọng để biếu nhà gái với ý nghĩa mong muốn có được cô dâu ngọt ngào, hiền thảo. Nếu nhà trai ở nơi khác hỏi vợ ở Truồi thì nhà gái chọn những quả dâu điểm son để mời nhà trai với ý nghĩa mong muốn "của ngon" này phải được người thưởng thức xứng đáng. Vì thế ở đây mới có câu hát :
"năm xưa thầy mẹ bảo em

chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi

để nhà anh tới chịu lời

ăn dâu quả ngọt ngẫm người biết ta"

NGUYỄN TRƯỜNG


http://vn.myblog.yahoo.com/kim_ngoc1010/article?mid=137

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Kỷ niệm

Kỷ niệm cứ như là những người thân yêu. Nó không biết phản bội ai. Và khi cần thì người ta có thể tựa đầu vào nó để khóc...một trận tơi tả.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Christmas III - Vũng Tàu và tượng Chúa Ki-tô giang tay

Phước Tỉnh cách bãi Sau Vũng Tàu chỉ một con sông nhỏ, nhưng trước khi có cầu Cửa Lấp, muốn qua Vũng Tàu chơi phải đi lui lại ngã ba Lò Vôi, ngược theo lộ 44 độ mười lăm cây số lên Bà Rịa (vùng này có duyên với tên đường hai số, hết lộ 44 đến lộ 55). Qua cầu Cỏ May độ hai mươi cây số nữa mới tới Vũng tàu. Nhà thờ lớn của Vũng Tàu nằm ở trung tâm thành phố, gần chợ cũ, bãi Trước. Nhà thờ không lớn nhưng khuôn viên rộng, thoáng. Từ nhà thờ đi xuống bãi Trước, quẹo trái, đi dọc theo bờ biển qua khỏi bãi Dứa là núi Nhỏ, còn gọi là núi Tao Phùng. Núi Nhỏ nằm giữa Bãi Dứa và Bãi Sau, tại đây có hai thắng cảnh nổi tiếng là Mũi Nghinh Phong và Tượng Chúa Ki-tô giang tay.

Hồi hè năm 2007, cả nhà hứng chí muốn ngắm tượng ở cự ly gần nên rủ nhau đi bộ từ KS Sammy lên Núi nhỏ. Chân núi được thiết kế như một công viên với nhiều tượng thiên thần tươi cười chào mời mọi người lên đến thăm.



Đường lên được tạc bởi các bậc cấp nên cũng không khó khăn lắm khi đi. Lúc đó chưa biết là đoạn đường này dài đến 500 mét và có tới 800 bậc cấp từ chân núi lên lận. Vừa đi vừa ngắm cảnh. Chiều xuống, gió lộng, đứng trên này nhìn xuống mũi Nghinh Phong và đảo Hòn Bà cạnh đó thật đẹp. Mặt trời lấp lánh trên những ngọn sóng lăn tăn trãi dài trên biển (Leonardo và Kate có đứng trên mũi tàu Titanic chắc cũng tới "cỡ" này thôi!).

Mũi Nghinh Phong hướng về phía nam. Phía đông của mũi là đảo Hòn Bà

Đi được hai phần ba đường thì Mẹ không "chiệu" đi nữa. Ba đi thêm đoạn nữa cũng thấy "ná thở", muốn đi lui ngồi với Mẹ rồi. May sao thấy hai tượng thiên thần cầm đàn hạc và kèn nên đi ráng được thêm mấy chục bậc nữa.


Tới nơi trể quá nên người ta đóng cửa không cho vào trong thân tượng. Nghe nói trong đó có cầu thang dẫn lên trên hai cánh tay giang ra để mọi người lên rồi đi ra đó xem. (Lên tới đó nhìn chắc còn "ác chiến" nữa! Tiếc thiệt, vì lần sau không biết có đủ "sức" leo lên tới đây không?)



Tượng Chúa Ki-tô giang tay ở Vũng Tàu được xây mới gần đây, năm 1974, cao 32 mét. Mô phỏng theo y chang bức tượng ở Rio de Janeiro, Ba Tây (Brazil). Tượng ở Vũng Tàu cao hơn tượng bên Ba Tây 2 mét nhưng các số liệu khác thì không bằng, như: bệ cao 4 mét (trong khi bệ bên kia cao 7 mét); đặt trên ngọn Núi Nhỏ cao gần 100 mét (trong khi núi bên kia cao những 700 mét). Cho nên, dù cho "khi tượng bên VN thức, tượng bên Ba Tây ngủ" hay ngược lại đi nữa thì tượng ở VN vẫn thấp hơn tượng bên kia chừng 600 mét.



Thật ra thì đây cũng vẫn được xem là tượng về Chúa Ki-tô lớn nhất thế giới, với số bậc thang trong lòng tượng là 133, có thể chen chúc mỗi lần cả trăm khách tham quan. Sải tay dài 18,4 mét và du khách có thể đi lại trên cánh tay để ngắm nhìn cảnh quan chung quanh từ trên cao. Chung quanh tượng có hai khẩu súng thần công thiệt là to, mới sơn lại, nhưng chắc là lâu đời rồi (Bị vì thời nay thấy trong games nó "chơi" toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt không hà, không thấy loại nào mà tới mười phút mới phịch ra được một phát đạn cả). Phần bệ tượng là một phòng trưng bày tranh với bốn bên là bốn bức phù điêu hướng mặt ra ngoài. Người ta nói rằng lúc đào móng để làm tượng thì phát hiện ra dưới chân tượng là một hệ thống địa đạo đúc bằng xi măng rất là kiên cố ("quân ta" không nhận nên chắc là do "quân địch" đào, chẳng biết của ai)


Cuối cùng Mẹ cũng lên được tới nơi

Đoạn đường xuống thì thoải mái hơn. Mặt trời vừa lặn khỏi chân trời. Gió biển thật là mát, nhưng mọi người đều thống nhất là đi taxi về KS. Hôm sau dậy, thấy mỏi nhừ hai chân như vừa đi đá banh về vậy, chắc tại hôm qua ra gió nhiều quá.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Christmas II - Giáng sinh và những ngày bắt đầu có Bi Ky

Sau khi ra trường, Ba Mẹ về Long Đất - Đồng nai làm việc. Long Đất là một Huyện được sáp nhập lại từ hai Quận Long Điền và Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy trước đây. Nhập vào tỉnh Đồng Nai được vài năm (1976) thì lại cắt ra để đưa vào tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa mới thành lập (1991, lúc Bi được 4 tháng). Gần đây (2003) nó lại tách ra thành 2 Huyện Long Điền và Đất đỏ như xưa (mong rằng mọi cái rồi cũng dần trở lại hết như xưa!).
Từ thị xã Bà rịa theo đường lộ 55 về hướng Xuyên Mộc độ 10km là thị trấn Đất Đỏ. Bệnh viện nằm trên địa phận của xã Phước Thạnh, dưới chân dốc Đất Đỏ. Đi bộ lên giữa dốc rẽ vào bên trái là ấp Thanh Long. Len lỏi qua vài con đường nhỏ là nhà thờ Đất đỏ của ấp Thanh Long, nằm hiền hòa giữa những nhà vườn với các nọc tiêu cao vút, xanh um. Còn từ bệnh viện nếu đi thẳng một mạch lên tới đỉnh dốc, qua khỏi chợ Đất đỏ một tí lại là một nhà thờ Đất Đỏ khác, lớn hơn.
Thật ra thời gian này thì giữa bệnh viện và ngôi nhà trong vườn của bác sĩ Tạ Duy Chinh - Bích Vân nằm kế đó, thì Ba Mẹ cũng không đi đâu nhiều hơn.

Năm 1990, bắt đầu về làm phòng mạch tại Phước Tỉnh, rồi năm 91 (lúc Bi được 4 - 5 tháng tuổi gì đó) Ba Mẹ mua nhà ở đó luôn. Phước Tỉnh là một xứ đạo mà có đến 4 ngôi nhà thờ trong một làng đánh cá nhỏ ven Vũng Tàu, chưa kể nhà thờ Long Hải gần đó nữa thì các con thấy đây là một giáo phận rất lớn. Ngoại trừ nhà thờ Lò Vôi, các nhà thờ còn lại đều có Cha chánh xứ giảng đạo chính trong ngày lễ, Chủ nhật.
Đầu lối vào làng Phước Tỉnh là một ngọn đồi được gọi tên là Đồi Đức mẹ, gần nhà thờ Tân Phước. Vài người già kể rằng nhìn những ngôi nhà cao tầng và nhà cửa chi chít ngày nay khó có ai tưởng tượng được cách đây gần nửa thế kỷ, con đường dẫn vào làng ngày ấy rậm rạp những lau lách và cây cối như rừng. Các nhà cất tạm dạo ấy tập trung chủ yếu quanh nhà thờ cho các giáo dân di cư. Cái doi đất này, một bên là biển, còn bên kia là giòng sông Cửa Lấp nhìn qua bãi sau Vũng Tàu, ngày nay không chỉ tuyền người Bắc nữa. Ngoài xóm nhỏ người Nam "bản địa" cư ngụ dọc theo cảng sông Cửa Lấp, còn có cả một xóm rất đông người trung, gốc Quy Nhơn, sống tập trung phía mũi đất bồi, gần phía cảng biển trên địa phận ấp Phước Hiệp. Dạo Bi khoảng một tuổi, Ông Ngoại chiều nào cũng bồng Bi đi bộ từ Phước Hiệp, qua xóm Nam lên đồi Đức Mẹ hóng mát. Ba tiếc là không chụp được hình nào Ôn bồng Bi cả. Nhớ Ôn thì lúc nào cũng mặc nghiêm chỉnh, đội cái nón trắng kiểu như nón thủy thủ, còn Bi thì đầu đội nón Béret màu trắng ngà, lúc nào cũng mút tay. Từ hồi 3 tháng tuổi là Bi đã bắt đầu mút ngón cái, tay kia thì cứ nắm lấy tóc mẹ. Lúc đó mọi người cứ tưởng Bi biết mút tay là xấu nên làm bộ nắm tóc để che, sau này mới biết đó là cả hai "hobby" của con. Nhìn thấy cũng dễ thương nên không ai nỡ bắt Bi bỏ cả.


Mẹ và Bi trên đỉnh đồi Đức mẹ - Phước tỉnh

Cạnh nhà thờ là nhà Dòng của các Ma Soeur. Hai nhà Dòng của các Soeur Phước Hiệp và Tân Phước là nơi có nhiều kỷ niệm với Bi Ky nhất vì đó là nơi gởi các con từ nhỏ. Giáng sinh nào cũng dẫn Bi Ky đi các nhà thờ Phước Hiệp, Tân Phước, Phước Bình, Lò Vôi, Long Hải...Ngoài Soeur Nhất ra thì Soeur Tươi và Soeur Mầu là hai Soeur chơi với Bi Ky nhiều nhất


Dưới chân đồi Đức mẹ

Nhà thờ Long hải nằm trên địa phận xã Hải Điền, cũng ít ghé đến trừ khi đi ngang qua mỗi khi đến Long Hải thăm Dinh Cô, đèo Kỳ Vân, Nhà nghĩ bác sĩ Tạo, hay xa hơn nữa, qua đèo Kỳ Vân với rừng đào trắng ven biển để tới bãi biển Nước ngọt thị trấn Phước Hải. Hồi Bi được một tuổi, có chụp hình Bi ngồi trên hòn đá lúc đi ngang qua đèo Kỳ Vân, sau này mỗi khi nhìn lại cứ nhớ tới bài học thuộc lòng mà hồi nhỏ hay nghe Bác Khánh đọc:
" Ông xã xệ đi săn voi.
Ông ta ngồi trên tảng đá.
Ẩn trong lá bắn súng ra
Đạn trúng ngà voi ngã gục"



Còn cái hình này chụp Bi ngồi bên gốc Bồ đề sau Nhà Chú Hỏa, bây giờ là Palace Hotel, gần Dinh Cô, Long Hải. Không hiểu tại sao Bi lại trầm tư như thế, đây là một điều hiếm thấy, vì hồi nhỏ mọi người gọi con là Cu Cười mà! Lúc nào cũng cười. Đang ngủ, mở mắt ra là nhoẻn miệng cười một cái mới ...đái.



Lúc Bi được hai tuổi rưỡi thì Ba Mẹ chuyển lên làm ở bệnh viện Bà Rịa nên lại gởi Bi vào trường của các Soeur Dòng Thánh Paulo sau lưng nhà thờ Bà Rịa. Hồi đó Bi ngoan và dễ thương lắm, ai cũng thích hết. Ngoài tật "mút tay" và "sờ tóc", Ba Mẹ cứ nhớ câu Bi nói: "Mẹ boồong con đi, con không "nặng chịch" nữa đâu".

Những mùa Giáng sinh ở đây thì Bi Ky lớn rồi nên được đi chơi nhiều hơn, được đeo râu, đội nón làm Ông già Noel, được chụp hình. Nhà mình cũng có cây thông nho nhỏ chớp chớp đèn. Và Bi Ky "được" Ba Mẹ "hướng dẫn" viết thư xin quà Ông Già Noel. Sau này khi về Thanh Đa ở Ba nhớ có lần hai anh em cãi nhau gì đó, Ba nghe Ky nói: "...cái đó nằm trong cái đĩa Ông già Noel cho năm ngoái a...". Cho đến một hôm Bi nói là bạn con bảo không có Ông già Noel nào hết, Ba hay Mẹ mua quà cho mình. Giáng sinh năm đó không hiểu vì sao mà Bi Ky cứ thức hoài không chịu đi ngủ, làm Ba Mẹ chờ hoài không được, buồn ngủ quá phải đi ngủ rồi đặt đồng hồ báo thức dậy lúc 4 giờ sáng...Rồi những năm sau đó, chắc các con lớn rồi hay không còn thích quà nên quên không viết thư cho Ông già Noel nữa...

Năm 1998 thì nhà mình về Sài gòn.

Christmas - Ngày còn nhỏ và những ngôi giáo đường

Mùa Giáng sinh.


Năm nay trời chuyển mát trước ngày Giáng sinh khá lâu. Ngoài đường nhiều nhà trang trí cho mùa Noel làm mình cứ nhớ lan man lại mấy chuyện cũ hoài.

Từ nhỏ hình như không ai dẫn mình đi nhà thờ lần nào cả. Ở Truồi thì Ôn Mệ già rồi, mà không biết có nhà thờ nào ở xứ Truồi không nữa? Chỉ nhớ có một ngôi chùa nhỏ tên là Phổ Quang thì phải, nằm giữa đoạn đường từ nhà đến trường tiểu học An Lương Đông, mặt hướng ra sông Truồi.
Mụ Bích nói nó là sông Hưng, còn cái núi gần đó là núi gì quên mất tiêu nên cứ gọi là Sông Truồi, núi Truồi cho khỏe. Ông Thanh Tịnh viết về Truồi hình như cũng gọi thế mà thôi. (chắc để khi nào rãnh lên Google để search lại xem sao).

Đi học tới hết lớp ba thì lên Huế ở với Mạ. Huế có nhiều chùa và nhà thờ hơn. Nhà mình ở Bến Ngự, thiệt ra nó nằm giữa Bến Ngự và đường lên Nam Giao nên với ai biết bến Ngự thì "nhà tui ở Bến Ngự", ai biết Nam giao thì "à, nhà tui ở Nam Giao". Gần nhà có Nhà thờ Phú Cam, trường Dòng Pellerin, xuống An cựu thì có nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, gần Bưu điện thì có nhà thờ Thánh Fransisco, lên Kim long thì có Đại chủng viện, xa nữa thì có Đan viện Thiên An...

Năm lớp 4 là cái năm học ẹ nhất trong đời đi học, thế mà không biết sao cuối năm, cô Phương Chi lại cho mình đi lên trường Dòng Pellerin dự cái lễ gì đó (chắc tại Mạ là bạn dạy cùng trường với cô). Nhiều sinh hoạt trại, văn nghệ tại đây vui lắm. Tới tiết mục đồng ca của một lớp nhỏ trường Pellerin, tưng tưng sao mình lại quay lại nói với các bạn trong lớp: "Đạo hát, đừng vỗ tay nghe tụi bây!". Anh Bi em về méc lại với Cậu Kiện, Cậu la cho một trận, nhớ tới bây giờ.

Nhà thờ Phú Cam là nơi lui tới nhiều nhất, bởi vì ở đó thằng bạn tên Quốc, hồi học lớp đệ thất, bây giờ gọi là lớp 6, trường Quốc Học. Mọi người gọi nó là Quốc "lít", chẳng hiểu sao? Người nó đen và nhỏ loắt choắt nhưng rất vui tính. Mùa hè nào nó cũng mang một cái phích cà rem đi bán, có khi lang thang ra tới tận cây số 17.

Hồi đó trường Quốc học dạy từ lớp đệ thất tới đệ nhất, chia làm 2 cấp: từ đệ thất tới đệ tứ, tức là lớp 6 đến lớp 9, gọi là Trung học đệ nhất cấp; từ lớp đệ tam tới đệ nhất, lớp 10 tới lớp 12 bây giờ, gọi là Trung học đệ nhị cấp. Các lớp TH đệ I cấp thì học giống nhau, chỉ chia làm 2 nhóm lớp theo sinh ngữ (Anh văn hay Pháp văn), lên TH đệ II cấp thì chia là 4 ban thì phải (không nhớ lắm vì tới đệ lục thì miền Nam đã "được thống nhất" roài, mọi cái thay đổi, trong đó có cả những ngôi trường và cái cách mà học sinh được học). Trường chỉ nhận nam sinh thôi, nữ sinh muốn học thì phải vào Trường Đồng Khánh. Hai ngôi trường khá giống nhau và cùng sơn màu đỏ, cùng hướng ra sông Hương và cách nhau một con đường nhỏ. Từ con đường giữa hai ngôi trường này, quay lưng lại với sông Hương, đi bộ một đoạn độ 10 phút thì tới sông An cựu, băng qua cầu Phú Cam, lên một con dốc nhỏ là nhà thờ Phú Cam.



Cứ tới Giáng sinh là cả đám bạn ghé tới nhà nó ở Phú Cam, ăn đã rồi ra nhà thờ chơi, coi làm lễ. Không biết mình có nhớ nhầm lẫn không, chứ dạo đó có nhiều lễ, nhưng lễ chính diễn ra khuya lắm, nửa đêm lận. Tất cả mọi nhà trong xóm đạo đều trang hoàng lộng lẫy với hang đá, tượng Chúa hài đồng, cây thông Noel, lồng đèn hình ngôi sao với các tua kim tuyến...Âm thanh mọi người cười nói xen lẫn với tiếng nhạc phát ra từ máy cassette các bài hát của mùa Giáng Sinh, mà đến giờ vẫn nhớ: Đêm Thánh vô cùng, Mừng ngày Chúa sinh ra đời...


Từ Nhà thờ Phú Cam đi dọc theo bờ sông về phía An Cựu là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là một nhà thờ có kiến trúc đẹp nhất Huế, nằm bên cạnh Cung An Định. Đi ngang đi lại thì nhiều lần, nhưng cuối cấp II, nhân đám cưới của anh Khải mình mới được dịp vào dự lễ tại nhà thờ này, được quỳ vào chổ mà mọi người hay quỳ để cầu nguyện, sờ tay vào cuốn kinh Thánh, rồi nhìn vu vơ lên vòm nhà cao vút, nơi dường như chứa đầy âm thanh của cả dàn đồng ca và tiếng của người chăn Chiên rao giảng.


Nhìn từ trong Cung An Định

Mùa Giáng sinh là mùa lạnh. Nhớ hồi học năm thứ III Y khoa, đi chơi với vợ, hồi đó mới quen thôi, buổi chiều thì không lạnh lắm nên không mặc áo lạnh, may sao anh Thanh hồi đó là đàn anh trên 2 lớp đưa cho cái áo ấm, tối đó mới thấy "ấm áp" khi khoát tay "nàng" đi dạo quanh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và ngồi uống cafe ở cái quán giữa Cung An Định với Nhà thờ. Không biết bây giờ vợ còn nhớ không?

Hai mươi năm sau, về lại Huế, có dẫn hai con tới thăm lại nơi này. Cung An Định thay đổi nhiều quá, nhưng nhà thờ thì vẫn vậy, chỉ có hàng rào bị thu hẹp lại nên không còn khoảng đất rộng che tượng Đức Chúa Cha ở trước nhà thờ nữa.


Trên đường Nguyễn Huệ

Nhà thờ Phanxico thì không có kỷ niệm gì đặc biệt lắm liên quan đến Giáng sinh, chỉ trừ có chuyện hồi xưa còn đi học, có cây đàn guitare cũ. Ông anh rể nói là có bạn thân làm đàn giỏi lắm ở gần trong đó, tên là Tâm Hiệp (thường ở Huế mọi người thường bắt chước lấy theo tên của tiệm đàn nổi tiếng Tân Châu là Tân...Tân gì đó, không hiểu sao cha này lại đổi tông qua là Tâm chứ không phải là Tân?). Ông dẫn vào sửa, tưởng làm giúp, ai ngờ lúc về, người "cứa" những chín chục ngàn. Nhà thờ này nhỏ, thường quét vôi trắng. Mùa Giáng Sinh cũng treo đèn ít và không đông người lui tới lắm. Hồi lớp 9 học trường Nguyễn Tri Phương nên ngày nào cũng đi qua nhà thờ này.

Cách Huế độ 5 cây số theo đường đi lên lăng Khải Định là một Dòng tu mang tên Đan viện Thiên An. Cũng chưa bao giờ xem lễ Giáng sinh tuốt trên này cả, nhưng đấy là một nhà Dòng cổ theo trường phái tu khổ hạnh thì phải. Thuở nhỏ, còn là học sinh thì Chùa Từ Hiếu và đồi thông Thiên An là hai nơi du ngoạn đẹp mà hè nào nhà trường cũng thường chọn cho các em cắm trại. Từ dưới Tòa Đại biểu bên bờ sông Hương, đi thẳng một mạch theo đường Nam Giao độ ba cây số là tới Đàn Nam Giao. Không nhớ chính xác, nhưng Thanh Tịnh cũng có viết về con đường này:
"..Tôi đi trong hoàng hôn dần lên, đường Nam Giao thẳng nhưng không bằng...".
Mạ nói là Thầy dạy Văn của Mạ có giảng rằng tác giả quá hay (hơi nịnh) khi không dùng từ "buông" trong câu "hoàng hôn dần lên". Còn mình thì khi đạp xe đạp trên con đường này, đạp xe ban ngày cũng được không cần đợi lúc hoàng hôn, mới thấy ông viết đúng, nó không bằằằng lắm. Người ta nói rằng, từ trên cột cờ trong Thành Nội bên kia sông Hương sẽ thấy đường Nam Giao thẳng một vạch từ bờ sông lên đến nơi xây Đàn.

Từ Đàn nam Giao rẽ tay phải luôn thì sẽ tới Chùa Từ Hiếu, nhưng chỉ rẽ phải một tí thôi rồi quẹo trái thì đi chừng hai cây số là tới đồi thông Thiên An. Tại đây từ tấm biển nhỏ đề Đan viện Thiên An, theo một con đường rãi đá, qua hết ngọn đồi thứ hai là Đan viện. Ngôi nhà bằng đá tọa lạc trên đỉnh đồi, được xây theo kiểu Âu cổ với những mảng rêu phong khô đi trong cái nắng và gió mùa hè. Cùng với mấy đứa bạn tò mò leo vào trong thì cũng không thấy gì ngoài nhiều căn phòng bán lộ thiên có chắn song sắt trông có vẻ bí ẩn với lứa tuổi 12 - 13 hồi đó. Bên trái Đan Viện là một con đường đất dốc xuống ngọn đồi rồi lại lên lại ngọn đồi thứ ba mà sau nó mới là một cảnh sắc tuyệt vời lôi cuốn mọi người hơn là tòa nhà Đan viện, hồ Tiên Thủy. Cái hồ nhỏ nhưng trong vắt, nằm bên rừng thông, đẹp như các tranh phong cảnh nước ngoài trong tạp chí. Mùa hè cuối năm lớp bảy, mình hay lên đó gần như mỗi ngày để cào rác thông chụm. Có một lần để xe đạp cho Doni tập đi, nó té một cái thiệt dữ trên đoạn dốc bên toà nhà Đan viện, mình chưa kịp làm gì thì đã có một Cha lao từ trên xuống bồng nó lên săn sóc vết thương (như trong truyện cổ tích vậy). Từ đó tòa nhà Đan viện với mình trở nên đẹp như một lâu đài trong chuyện cổ tích.
Hơn ba mươi năm sau mới có dịp trở lại Đan viện với người bạn từ một nơi thật xa thì thấy Đan viện đã thay đổi nhiều quá. Nó được xây lại theo một kiểu như là người ta cố may cái áo veston bằng nhiễu để cho nó có "tính dân tộc" vậy. Còn cái hồ thì: một đống nhà lô nhô xanh đỏ, mấy cái thuyền con vịt đạp, cái cầu bê tông nho nhỏ bắt qua... trông giống hòn non bộ quá. Chỉ còn lá thông và những bụi sim là vẫn giữ lại được những mùi vị của ngày xưa. Tại mình khó tính hay tại kỷ niệm bao giờ cũng đẹp hơn


Vẫn đẹp, nhưng Đan viện trông hơi giống ..."Chùa" nhiều hơn

Đại chủng viện thì nằm ở trên Kim Long, trên đường đi lên chùa Linh Mụ. Chưa lần nào kịp vào đây thì đã "giải phóng" mất...

Four hands play one Guitar.

Chơi hai tay đã khó rồi, huống chi...

Bi và Ky nhinh nhinh

Bi và Ky nhinh nhinh
myspace graphic at Gickr
Hình của Bi Ky hồi nhỏ

http://gickr.com/results2/anim_f96a941d-27be-18b4-7100-ccb1e2bc5f13.gif

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Sinh Nhat Ky

Chúc mừng Sinh nhật lần thứ 17 của Ky nhinh.
Đúng vào ngày 09-9-09, một ngày nghe thật tuyệt.


Tìm một vài ảnh cũ xem để nhớ đến các con. Đây là lần đầu Ky được chụp hình, ngày con được 3 tháng tuổi. Lớn lên một chút, con "tra trắng" như ông cụ non: ăn thì tự xúc, ngồi thì thẳng tắp cái lưng, cơm không rơi vãi hột nào cả, phát âm được cả những từ khó (như cái hoa rrrung rrrinh...), không chịu cho chuyển kênh TV cho đến khi nào "có chữ chạy lên" mới "chịu" là "hết phim hoạt hình", ai hỏi con "xinh xinh hay xấu xấu" thì con trả lời ngay là "KY NHINH NHINH". Chỉ có điều là không chịu cho ai bồng ngoài mẹ cả. Ngủ thì phải nằm võng với anh Bi (dù "bị" anh Bi tè cho lia chia mà "vẫn cứ thích"). Phải đến 2 hay 3 tuổi gì đó mới chịu "chơi" với Ba, và hay gọi "Ba ơơơơi" "Bi ơơơơi". Khác với anh Bi, phải lên Bà rịa ở thì con mới hay cười, thích chụp hình, quấn quýt lấy Ba ngồi chung xe với Ba vì..."Ky giống Ba".
Lâu lắm, hình này chụp Ky hồi còn ở nhà mình dưới Phước Tỉnh lận. Chắc lúc đó Ky chưa biết đọc đâu, nhưng nhìn cứ như ông cụ.


Thuở nhỏ các con luôn bên nhau, hai cục cưng của Ba Mẹ. Có lần con hỏi tại sao "cưng" mà lại là "cục". Ba chiệu, không biết, chỉ biết mình có 2 cục cưng thôi.
Hình ảnh nào của các con, Ba Mẹ cũng thấy đáng yêu cả, kể cả hình này (tất nhiên là nếu các con không bảo phải dấu nó đi)

Rồi con lớn dần lên theo những nơi mà mình đã đi qua, Phước Tỉnh, Bà Rịa, Thanh Đa, Hẻm 8 - Sài Gòn...nhà mình chuyển chổ hơi bị nhiều, ở đâu Ky cũng "nhinh nhinh" và ngoan ngoãn cả.

Hôm nay là Sinh nhật lần thứ 17 của con. Không có con ở đây cũng hơi buồn, nhưng con lớn rồi thì phải tập xa nhà dần thôi. Và dù ở đâu thì mọi nguời vẫn nhớ đến Ky với mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất cho con. Chúc con luôn luôn được vui vẻ, mạnh khỏe, nhiều may mắn và hạnh phúc không chỉ trong ngày Sinh nhật. 9 giờ 9 phút, ngày 9 tháng 9 năm 09.

Ba Mẹ và Anh Bi

(Khúc ni là cóp từ bên Ymail viết từ hồi sáng qua, cho nó có đủ "thân bài, kết luận")

(Ảnh thì nhiều, mà post lên chậm quá nên thôi, con mở My picture của con coi tiếp đi vậy, khi nào rãnh thì Ba viết tiếp)