Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Christmas - Ngày còn nhỏ và những ngôi giáo đường

Mùa Giáng sinh.


Năm nay trời chuyển mát trước ngày Giáng sinh khá lâu. Ngoài đường nhiều nhà trang trí cho mùa Noel làm mình cứ nhớ lan man lại mấy chuyện cũ hoài.

Từ nhỏ hình như không ai dẫn mình đi nhà thờ lần nào cả. Ở Truồi thì Ôn Mệ già rồi, mà không biết có nhà thờ nào ở xứ Truồi không nữa? Chỉ nhớ có một ngôi chùa nhỏ tên là Phổ Quang thì phải, nằm giữa đoạn đường từ nhà đến trường tiểu học An Lương Đông, mặt hướng ra sông Truồi.
Mụ Bích nói nó là sông Hưng, còn cái núi gần đó là núi gì quên mất tiêu nên cứ gọi là Sông Truồi, núi Truồi cho khỏe. Ông Thanh Tịnh viết về Truồi hình như cũng gọi thế mà thôi. (chắc để khi nào rãnh lên Google để search lại xem sao).

Đi học tới hết lớp ba thì lên Huế ở với Mạ. Huế có nhiều chùa và nhà thờ hơn. Nhà mình ở Bến Ngự, thiệt ra nó nằm giữa Bến Ngự và đường lên Nam Giao nên với ai biết bến Ngự thì "nhà tui ở Bến Ngự", ai biết Nam giao thì "à, nhà tui ở Nam Giao". Gần nhà có Nhà thờ Phú Cam, trường Dòng Pellerin, xuống An cựu thì có nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, gần Bưu điện thì có nhà thờ Thánh Fransisco, lên Kim long thì có Đại chủng viện, xa nữa thì có Đan viện Thiên An...

Năm lớp 4 là cái năm học ẹ nhất trong đời đi học, thế mà không biết sao cuối năm, cô Phương Chi lại cho mình đi lên trường Dòng Pellerin dự cái lễ gì đó (chắc tại Mạ là bạn dạy cùng trường với cô). Nhiều sinh hoạt trại, văn nghệ tại đây vui lắm. Tới tiết mục đồng ca của một lớp nhỏ trường Pellerin, tưng tưng sao mình lại quay lại nói với các bạn trong lớp: "Đạo hát, đừng vỗ tay nghe tụi bây!". Anh Bi em về méc lại với Cậu Kiện, Cậu la cho một trận, nhớ tới bây giờ.

Nhà thờ Phú Cam là nơi lui tới nhiều nhất, bởi vì ở đó thằng bạn tên Quốc, hồi học lớp đệ thất, bây giờ gọi là lớp 6, trường Quốc Học. Mọi người gọi nó là Quốc "lít", chẳng hiểu sao? Người nó đen và nhỏ loắt choắt nhưng rất vui tính. Mùa hè nào nó cũng mang một cái phích cà rem đi bán, có khi lang thang ra tới tận cây số 17.

Hồi đó trường Quốc học dạy từ lớp đệ thất tới đệ nhất, chia làm 2 cấp: từ đệ thất tới đệ tứ, tức là lớp 6 đến lớp 9, gọi là Trung học đệ nhất cấp; từ lớp đệ tam tới đệ nhất, lớp 10 tới lớp 12 bây giờ, gọi là Trung học đệ nhị cấp. Các lớp TH đệ I cấp thì học giống nhau, chỉ chia làm 2 nhóm lớp theo sinh ngữ (Anh văn hay Pháp văn), lên TH đệ II cấp thì chia là 4 ban thì phải (không nhớ lắm vì tới đệ lục thì miền Nam đã "được thống nhất" roài, mọi cái thay đổi, trong đó có cả những ngôi trường và cái cách mà học sinh được học). Trường chỉ nhận nam sinh thôi, nữ sinh muốn học thì phải vào Trường Đồng Khánh. Hai ngôi trường khá giống nhau và cùng sơn màu đỏ, cùng hướng ra sông Hương và cách nhau một con đường nhỏ. Từ con đường giữa hai ngôi trường này, quay lưng lại với sông Hương, đi bộ một đoạn độ 10 phút thì tới sông An cựu, băng qua cầu Phú Cam, lên một con dốc nhỏ là nhà thờ Phú Cam.



Cứ tới Giáng sinh là cả đám bạn ghé tới nhà nó ở Phú Cam, ăn đã rồi ra nhà thờ chơi, coi làm lễ. Không biết mình có nhớ nhầm lẫn không, chứ dạo đó có nhiều lễ, nhưng lễ chính diễn ra khuya lắm, nửa đêm lận. Tất cả mọi nhà trong xóm đạo đều trang hoàng lộng lẫy với hang đá, tượng Chúa hài đồng, cây thông Noel, lồng đèn hình ngôi sao với các tua kim tuyến...Âm thanh mọi người cười nói xen lẫn với tiếng nhạc phát ra từ máy cassette các bài hát của mùa Giáng Sinh, mà đến giờ vẫn nhớ: Đêm Thánh vô cùng, Mừng ngày Chúa sinh ra đời...


Từ Nhà thờ Phú Cam đi dọc theo bờ sông về phía An Cựu là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là một nhà thờ có kiến trúc đẹp nhất Huế, nằm bên cạnh Cung An Định. Đi ngang đi lại thì nhiều lần, nhưng cuối cấp II, nhân đám cưới của anh Khải mình mới được dịp vào dự lễ tại nhà thờ này, được quỳ vào chổ mà mọi người hay quỳ để cầu nguyện, sờ tay vào cuốn kinh Thánh, rồi nhìn vu vơ lên vòm nhà cao vút, nơi dường như chứa đầy âm thanh của cả dàn đồng ca và tiếng của người chăn Chiên rao giảng.


Nhìn từ trong Cung An Định

Mùa Giáng sinh là mùa lạnh. Nhớ hồi học năm thứ III Y khoa, đi chơi với vợ, hồi đó mới quen thôi, buổi chiều thì không lạnh lắm nên không mặc áo lạnh, may sao anh Thanh hồi đó là đàn anh trên 2 lớp đưa cho cái áo ấm, tối đó mới thấy "ấm áp" khi khoát tay "nàng" đi dạo quanh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và ngồi uống cafe ở cái quán giữa Cung An Định với Nhà thờ. Không biết bây giờ vợ còn nhớ không?

Hai mươi năm sau, về lại Huế, có dẫn hai con tới thăm lại nơi này. Cung An Định thay đổi nhiều quá, nhưng nhà thờ thì vẫn vậy, chỉ có hàng rào bị thu hẹp lại nên không còn khoảng đất rộng che tượng Đức Chúa Cha ở trước nhà thờ nữa.


Trên đường Nguyễn Huệ

Nhà thờ Phanxico thì không có kỷ niệm gì đặc biệt lắm liên quan đến Giáng sinh, chỉ trừ có chuyện hồi xưa còn đi học, có cây đàn guitare cũ. Ông anh rể nói là có bạn thân làm đàn giỏi lắm ở gần trong đó, tên là Tâm Hiệp (thường ở Huế mọi người thường bắt chước lấy theo tên của tiệm đàn nổi tiếng Tân Châu là Tân...Tân gì đó, không hiểu sao cha này lại đổi tông qua là Tâm chứ không phải là Tân?). Ông dẫn vào sửa, tưởng làm giúp, ai ngờ lúc về, người "cứa" những chín chục ngàn. Nhà thờ này nhỏ, thường quét vôi trắng. Mùa Giáng Sinh cũng treo đèn ít và không đông người lui tới lắm. Hồi lớp 9 học trường Nguyễn Tri Phương nên ngày nào cũng đi qua nhà thờ này.

Cách Huế độ 5 cây số theo đường đi lên lăng Khải Định là một Dòng tu mang tên Đan viện Thiên An. Cũng chưa bao giờ xem lễ Giáng sinh tuốt trên này cả, nhưng đấy là một nhà Dòng cổ theo trường phái tu khổ hạnh thì phải. Thuở nhỏ, còn là học sinh thì Chùa Từ Hiếu và đồi thông Thiên An là hai nơi du ngoạn đẹp mà hè nào nhà trường cũng thường chọn cho các em cắm trại. Từ dưới Tòa Đại biểu bên bờ sông Hương, đi thẳng một mạch theo đường Nam Giao độ ba cây số là tới Đàn Nam Giao. Không nhớ chính xác, nhưng Thanh Tịnh cũng có viết về con đường này:
"..Tôi đi trong hoàng hôn dần lên, đường Nam Giao thẳng nhưng không bằng...".
Mạ nói là Thầy dạy Văn của Mạ có giảng rằng tác giả quá hay (hơi nịnh) khi không dùng từ "buông" trong câu "hoàng hôn dần lên". Còn mình thì khi đạp xe đạp trên con đường này, đạp xe ban ngày cũng được không cần đợi lúc hoàng hôn, mới thấy ông viết đúng, nó không bằằằng lắm. Người ta nói rằng, từ trên cột cờ trong Thành Nội bên kia sông Hương sẽ thấy đường Nam Giao thẳng một vạch từ bờ sông lên đến nơi xây Đàn.

Từ Đàn nam Giao rẽ tay phải luôn thì sẽ tới Chùa Từ Hiếu, nhưng chỉ rẽ phải một tí thôi rồi quẹo trái thì đi chừng hai cây số là tới đồi thông Thiên An. Tại đây từ tấm biển nhỏ đề Đan viện Thiên An, theo một con đường rãi đá, qua hết ngọn đồi thứ hai là Đan viện. Ngôi nhà bằng đá tọa lạc trên đỉnh đồi, được xây theo kiểu Âu cổ với những mảng rêu phong khô đi trong cái nắng và gió mùa hè. Cùng với mấy đứa bạn tò mò leo vào trong thì cũng không thấy gì ngoài nhiều căn phòng bán lộ thiên có chắn song sắt trông có vẻ bí ẩn với lứa tuổi 12 - 13 hồi đó. Bên trái Đan Viện là một con đường đất dốc xuống ngọn đồi rồi lại lên lại ngọn đồi thứ ba mà sau nó mới là một cảnh sắc tuyệt vời lôi cuốn mọi người hơn là tòa nhà Đan viện, hồ Tiên Thủy. Cái hồ nhỏ nhưng trong vắt, nằm bên rừng thông, đẹp như các tranh phong cảnh nước ngoài trong tạp chí. Mùa hè cuối năm lớp bảy, mình hay lên đó gần như mỗi ngày để cào rác thông chụm. Có một lần để xe đạp cho Doni tập đi, nó té một cái thiệt dữ trên đoạn dốc bên toà nhà Đan viện, mình chưa kịp làm gì thì đã có một Cha lao từ trên xuống bồng nó lên săn sóc vết thương (như trong truyện cổ tích vậy). Từ đó tòa nhà Đan viện với mình trở nên đẹp như một lâu đài trong chuyện cổ tích.
Hơn ba mươi năm sau mới có dịp trở lại Đan viện với người bạn từ một nơi thật xa thì thấy Đan viện đã thay đổi nhiều quá. Nó được xây lại theo một kiểu như là người ta cố may cái áo veston bằng nhiễu để cho nó có "tính dân tộc" vậy. Còn cái hồ thì: một đống nhà lô nhô xanh đỏ, mấy cái thuyền con vịt đạp, cái cầu bê tông nho nhỏ bắt qua... trông giống hòn non bộ quá. Chỉ còn lá thông và những bụi sim là vẫn giữ lại được những mùi vị của ngày xưa. Tại mình khó tính hay tại kỷ niệm bao giờ cũng đẹp hơn


Vẫn đẹp, nhưng Đan viện trông hơi giống ..."Chùa" nhiều hơn

Đại chủng viện thì nằm ở trên Kim Long, trên đường đi lên chùa Linh Mụ. Chưa lần nào kịp vào đây thì đã "giải phóng" mất...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét