Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Mồng 1 và mồng 2 tết

Sẽ kể cho Bi Ky về mấy ngày Tết ở quê.

Tiếp Bác Khê và Bác Hồng qua thắp hương cho Bà Nội sáng mồng một xong Ba Mẹ vội vàng ra phi trường. Ngày đầu năm mà khách đi đông, gần hết chổ. Máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài lúc xế trưa. Bà Ngoại và Dì Hoa cùng Bác Tình ra đón. Trời nắng nhẹ, khô và đẹp. Chiều, Bác Tình, Dì Hà dẫn lên thăm mộ Cậu Tân, bà Mai. Cả vùng đồi mà ngày trước Ôn Ngoại lúc chưa bị bệnh, đã cấp củm dời từng bộ hài cốt về đây, giờ đã thành một nghĩa trang cao ráo và đẹp.

Sáng mồng 2 trời trở lạnh và không còn nắng nữa. Ba Mẹ đi về Truồi, ghé thăm Bà Ấm Phụ, là vợ của Ôn Ấm, anh ruột Ôn Nội con, ở dưới làng Sư Lỗ. Bà đã chín mươi rồi mà vẫn còn khỏe. Nhà Cô Tâm và Bà Ấm đều ở quanh quanh chợ Truồi cũ. Vẫn còn cái cổng chợ thiệt là cũ và cây bàng như ngày nào Ba còn nhỏ.

Ăn cơm trưa tại nhà Cô Tâm xong, Cô và Bác Quang cùng Ba mẹ đi thăm mộ Bà Nội. Đường lên mộ men theo sông Truồi lên đến gần hồ Truồi. Qua khỏi Ga truồi một đoạn là nhà Ôn cố Nội của con mà thuở nhỏ Ba sống ở đó lâu nhất. Bây giờ chỉ còn Ôn Hồng ở, ba của anh Lạc Thư và Long Ẩn. Ghé thăm ôn, dạo này ôn bớt đau cổ rồi. Hôm bữa Bà vào Sài gòn chơi, ghé thăm ba mẹ, Bà bảo Ôn đau cổ là tại ôn tập (chắc là thể dục) nhiều quá, ai biểu tập nhiều làm chi vậy? À, tại mấy cái "con khỉ" nào đó nói Ôn tập gì mà dạo này trông trẻ ra nên Ôn tích cực tập nhiều hơn... Chắc Bà bực mình Ôn nên nói thế chứ chuyện luyện võ là chuyện nghiêm túc của ôn lâu rồi.

Dọc đường nhiều hoa dại chen nhau mọc ven đường, màu tím của Sim, Cỏ may, màu vàng rực của Quỳnh anh, đỏ vàng của Ngũ sắc...đẹp đến độ Mẹ con phải bảo Ba dừng lại ngắt để lên cắm thêm trên mộ Nội. Lối vào nho nhỏ bên phải nay bị chắn lại, người ta mở một lối mới quanh co phía bên trái, đi qua mộ Ông Bà cố Ngoại thẳng xuống hồ (cái hồ nhỏ chứ không phải Hồ Truồi) nên bây giờ mộ bà Nội con trở nên khuất và kín đáo hơn. Mấy cây tràm hoa vàng đã cao lớn hơn không còn che tầm nhìn xuống mặt hồ nữa. Mộ Nội sạch sẽ vì ngày 27 tết O Doni đã ra thăm và quét dọn. Mẹ chuẩn bị đồ cúng rồi lì xì cho mấy em bé chăn bò quanh đó để chúng đừng phá mộ khi mình không có mặt. Cô Tâm, Bác Quang cùng với Ba đi thắp hương và nhổ cỏ cho mấy mộ quanh đó, có mộ Ôn Bà cố Ngoại, ôn Nẫm (anh của Bà Nội). Chiều, trên đường về Cô Tâm rủ Ba Mẹ luôn thể ghé lên thăm chùa Trúc Lâm - Bạch Mã trong lòng hồ Truồi.



Phía trên ngọn thác của sông Truồi, người ta xây đập để giữ nước lại thành một cái hồ. Trong lòng hồ có một đảo nhỏ chính là chỏm của một ngọn núi còn lại, đàng sau là nhiều mỏm núi liền nhau thành một bán đảo. Một tượng Phật lớn được dựng lên trên hòn đảo, phần chùa thì xây trên bán đảo phía sau. Con đường đi lên dọc theo phía hữu ngạn sông, quanh co qua những cánh rừng. Sau khi men theo bờ hồ một đoạn, đi qua con đập lớn vòng qua phía tả ngạn là bến đò để vào Chùa. Tới bến đò trời chuyển mưa nặng hạt, Cô Tâm mua thêm áo mưa cho mọi người rồi qua đò. Trời mưa mà cũng nhiều người đi viếng chùa, nhất là các học sinh. Mạn đò thấp nên Mẹ thích thú vọc tay xuống nước hồ trong vắt và mát lạnh. Từ bến, đò chạy cũng khoảng cây số nữa mới tới nơi. Nhìn từ xa Chùa nổi lên với các mái ngói đỏ, viền cong cong bởi các con rồng đắp quét vôi vàng. Hồ rộng, rừng núi xanh biếc chung quanh mờ trong màn mưa...làm Ba tiếc là sao lại không đem theo máy chụp ảnh?

Đi lên một đoạn dốc nhỏ trước khi bước lên 174 bậc (không tính cái bậc nhỏ xíu ngay trước cổng tam quan). Bậc 48, 99 và một trăm năm mươi mấy đó (quên rồi) thì lớn hơn các bậc khác (chắc để cho người ta đứng lại mà thở ). Ba nhắc cho mẹ nhớ để mà kể cho Bi Ky nghe, (rứa mà lúc xuống Mẹ lại nói có 164 bậc hà, cũng không nhiều lắm hỉ. May sao Ba còn nhớ rõ nên không phải quay lên đếm lại).

Trúc Lâm - Bạch mã được Hòa Thượng Thanh Từ khởi công vào năm 2006, chùa xây theo trường phái của các Trúc Lâm thiền viện như ở Yên tử, Tam Đảo, Long Thành, Đà lạt (Các con có đến đây rồi - đi bằng cáp treo. Nơi đây trồng rất nhiều hoa) ... Sau Tam quan là hai tòa nhà nằm theo trục dọc: Đại điện và Tổ đường. Bên phải Tổ đường là Tăng đường, còn phía bên trái là Trai đường, lớn hơn.

Đại điện thiệt là lớn, gồm ba gian. Giữa là tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, phía sau là bức phù điêu cây Bồ đề và những dãy núi thấp như ở xứ quê hương của Ngài. Phía trái (của Ngài chứ không phải của Ba) là tượng Đức Văn Thù Bồ Tát đặt trước bức phù điêu cành tùng trên vài ngọn núi cao nhọn, đặt trưng của đất Trung hoa. Phía phải là tượng Đức Phổ Hiền Bồ Tát. Các cây cột của Đại điện cao vút và phía trên là phần gỗ được chạm trổ tuyệt đẹp như những tấm màn. Treo trên đó là các bức liễn và hoành phi bằng gỗ thiếp vàng.

Rời Chánh điện đi thêm hai mươi mấy bậc thang nữa (lần này quên, không đếm) là Điện thờ các vị Tổ sư cũng lớn và hoành tráng không kém. Có một Sư Thầy đang đứng đánh chuông cho chư vị lễ Phật, nhưng có lẽ nhiều người hỏi quá nên Thầy cũng dành chút thời gian giảng nghĩa. Mẹ ngoắc Ba vào để nghe. Thầy nói đạo Phật du nhập vào nước ta từ hồi người Tàu qua đây đô hộ lận, nhưng nhờ lòng từ bi bác ái nên nhân dân ta đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm dành lại độc lập tự do cho dân tộc(?)...Không biết cái mặt của Ba đứng đó ngó có giống "công an chìm" không nhỉ?

Phía trái của Tổ đường là Trai đường, một dãy nhà ba tầng với tượng Đức Quán thế Âm Bồ Tát trên cao. Ngoài cùng của tầng 2 là bếp, phía trên tầng 3 là điện thờ. Bên bức tường phía ngoài tầng 3, chùa cẩn thận gắn thêm một bàn thờ nhỏ xíu trên tường (như kiểu bàn Thiên trước nhà mình vậy) trên đó không có tượng gì cả nhưng có bày hoa quả và bánh tét...không biết để cúng ai. Định hỏi nhưng không tìm thấy ai nên thôi vậy. Từ trên cao nhìn xuống rừng núi hùng vĩ và hồ nước xanh bao bọc chung quanh nên dù chùa không phải trồng cây nhiều nữa mà vẫn thấy dịu nhẹ. Không phải bắt chước Đà lạt, nhưng Ba nghĩ là nên đem độ một nửa Lan của vườn Bạch Mã lên đây thì chắc còn đẹp hơn nữa.

Cô Tâm nói, hôm khánh thành Chùa (20 tháng tư 2008), đông người đến viếng lắm, Cô đi mà phải chen chúc và đôi lúc phải để từ từ trôi theo giòng người chứ không đi nổi. Chiều rồi nên mọi người đều muốn về kẻo sợ hết đò. Đoạn đường đi bằng thuyền trong lòng hồ có lẽ là đẹp nhất với Ba. Khi nào về quê, lên thăm mộ của Nội ba sẽ nhắc Bi Ky đi vòng quanh hồ Truồi bằng một chuyến đò cho biết.



Trước khi về ba có ghé lại thăm trường Tiểu học An lương Đông, hồi nhỏ Ba học (nghe văng vẳng đâu đây giọng ca Thanh Tuyền "Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ..." ). Từ Cầu Truồi đi ngược trên đường quốc lộ hướng về phía Cầu Hai độ 100 thước thì bên phải là Ga truồi, bên trái là một dãy nhà nằm thấp xuống dưới mép đường, trong đó có nhà thầy Khôi (hiệu trưởng thời Ba còn học), Mợ Kiều (vợ cậu Nẩm, anh bà Nội), nhà ông thợ "cúp" mà hồi nhỏ bà cố Nội con hay cho người đưa Ba xuống cắt tóc ở đó. Ba còn nhớ ổng hơi ốm, người cao cao, khi nào cũng phẩy phẩy tấm vải trắng trước khi quàng vào cổ khách hàng. Cái khăn trùm luôn người ngồi và cả cái ghế có hai tay tựa. Một cái gương lớn đặt ngay trước mặt khách, soi rõ luôn cả người đi chợ qua lại bên ngoài đường. Dưới cái gương là cái bàn nhỏ lật nắp lên xuống được, trên đó là dao, kéo, tông đơ và mấy cái hộp đựng phấn thơm cùng cái nắp gỗ gắn chùm lông để thoa phấn mỗi khi cạo. Ông có hai cây kéo mà một cây có cái lược luôn trên đó, 1 cái tông đơ màu đen bóp bằng tay và độ 3 cây dao cạo, loại dài cỡ gang tay, lưỡi gấp được vào trong cái cán bằng gỗ hoặc xà cừ láng bóng. Trong khi chờ đợi là ông cứ lấy con dao ra liếc liếc vào sợi dây bằng da, cột một đầu trong bức tường, một đầu để nắm kéo căng ra khi mài. Thời đó chỉ có hai kiểu cúp, cúp ca rê thấp và cúp ca rê cao, không kể cạo trọc. Thật ra thì cúp tóc cũng thoải mái, mùi phấn thơm thơm, chỉ phiền cái là ông hay lấy tay bẻ cái đầu của Ba theo ý ổng cho dễ cắt và sau khi cắt, tóc vướng lại trong cổ xót xót tí thôi...

Qua khỏi dãy nhà đó độ hơn trăm thước nữa là đường rẽ vào trường. Con đường nhỏ và không quanh co, không có cái bàn "ra tông" đầu đường giống như xưa nên hơi khó tìm. Đám ruộng sau lưng trường và mấy cái mả quanh đó được thay bằng nhà cửa san sát. Cánh cổng nhỏ hơn ngày xưa và đóng kín (vì nghĩ tết). Không còn gì giống như ngày xưa cả, trừ cây vông đồng già cao lớn giữa sân. Đúng là nó, nó nằm ngay trước cửa lớp năm A (lớp nhỏ nhất trường) của Ba hồi đó, thầy Ban dạy. Đi ngược về bên trái là lớp tư, cô Thảo dạy, phòng kế là lớp ba, thầy Thiện dạy. Hai phòng tiếp cho lớp nhì và lớp nhất thì Ba chưa vào (vì cuối năm lớp ba là Ba đã chuyển về Huế rồi). Tiếp đó là dãy ba phòng vuông góc để dành sinh hoạt học đường, nơi đó có lần người ta đến chiếu cho các học sinh coi phim về cuộc du hành của phi thuyền Apollo 11 đổ bộ Nguyệt cầu. Phòng ngoài cùng là phòng của Thầy Khôi, hiệu trưởng...Không còn gì quen thuộc nữa cả, chỉ còn duy nhất cây vông già giúp Ba nhớ lại những quang cảnh ngày xưa. Hồi học lớp hai, cô Thảo là bạn của cả ôn Nội lẫn Bà Nội nên thương Ba lắm, Ba còn nhớ cô hay khen với bà Nội "Trời, chị biết không, cái thằng thông minh thiệt, nó hỏi em là ai đan áo len cho con sâu róm mà đẹp rứa cô?". Ba không nhớ là mình có hỏi thế không, nhưng nếu có thì cũng ngồ ngộ thôi chứ nói là thông minh thiệt thì cũng hơi quá đáng .

Đường về lại Huế buổi chiều lạnh, nhưng bớt mưa.

Ba không chụp hình được nên các con vào đây coi đỡ nhé:
http://vnphoto.net/forums/showthread.php?t=20913

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét