Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Seoul - Gyeongbokgung mùa đông


Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung)

Hơn năm tiếng quá cảnh nên chỉ đi thăm được cố đô Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung) và lang thang tí xíu trên đường phố để tìm quà lưu niệm mà thôi. Chiếc van chở mọi người từ sân bay Incheon đến cung điện Cảnh Phúc (Gyeongbok) độ non một tiếng. Tuyết trắng xóa dọc hai bên đường, đọng cả trên mái nhà, trên các gờ đá, một chút trên các trụ điện, tượng đài, thân cây, bảng quảng cáo ngoài trời...Tuyết cũng ngập trắng cả quảng trường trước cung điện, trên những thân cây nghiên già cỗi, mái ngói và bờ tường (chẳng thấy rêu phong gì cả, chắc tại lạnh quá rêu nó mọc không nổi).

Cảnh Phúc cung là một kinh thành đẹp nhất của thành phố Seoul, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIV. Có hơn 330 công trình tọa lạc trên một khu đất hình thang theo trục Nam- Bắc, phía sau rộng hơn phía trước (hồi đó người ta cũng khoái "nở hậu" ha), nằm ngay trong lòng một dãy núi cong cong hình giống như chữ w úp ngược. Thế phong thủy này có lẽ đã giúp cho vương triều Joseon trị vì đất nước Triều Tiên trong suốt một khoảng thời gian dài đến 500 năm.


Cảnh Phúc Cung nằm giữa vòng cung của một dãy núi phía Bắc (ảnh từ Google Map)

Có bốn lối vào thành mà cửa lớn nhất ở phía nam là Quang Hóa Môn (Gwanghwamun) hiện đang sửa chữa. Có nhiều binh lính đứng canh và các quan binh đi tuần trong y phục cổ xưa làm ai cũng tưởng họ đang chuẩn bị cho một show diễn gì đó kiểu như ở Pattaya (Thailand), Sentosa (Singapore) hay kiểu hóa trang thành các chiến binh quanh đấu trường Colysée (Rome-Italy) cho du khách chụp hình (có trả tiền)... Chuẩn bị ít tiền lẻ định chụp hình chung, mới biết đó là một hoạt động vừa an ninh vừa văn hóa của người dân Hàn quốc. Đến đúng ngọ thì cả một toán binh lính rầm rộ đổi gác, có cả trống kèn, cờ xí ì xèo như thiệt. Họ giới thiệu luôn cho chúng ta phần nào sắc thái của sinh hoạt cung đình ngày trước mà họ đã cố gắng gìn giữ. Thật đáng quý nếu biết Cung đình Gyeongbokgung phải được phục chế đến gần 70% những gì đã hư hại sau đệ nhị thế chiến (cuộc chiến Nhật-Hàn), như Trần Đức Anh Sơn đã viết trong phần Hàn Chương, cuốn "Rong ruổi thực lục": “Lịch sử dẫu có lúc thăng trầm, nhưng văn hóa Triều Tiên vẫn sống mãi và cổ tích Gyeongbokgung đã và đang tái sinh một cách trọn vẹn cả phần xác lẫn phần hồn”.


Đi dọc theo trục Nam-Bắc thì kế tiếp là Hưng Lễ Môn (Heungnyemun), bước qua đó là cái sân rộng lát đá với cây cầu Yongje cũng bằng đá thấp thấp bắt qua con hào nhỏ như kiểu con hào bao quanh Đại Nội - Huế vậy. Cũng không có gì đặc biệt lắm, con hào đóng băng và chung quanh cầu phủ đầy tuyết nên nhìn mãi mới ra.



Hưng Lễ Môn (Heungnyemun)

Qua khỏi cổng kế, Cần Chính môn (Geunjeongmun) là một khoảnh sân rộng trước khi nhìn thấy Cần Chính điện (Geunjeongjeon). Đó là một tòa nhà đồ sộ, hai tầng mái, đặt trên một nền đá cao có nhiều bậc cấp dẫn lên qua hai hành lang lộ thiên bằng đá chạm trổ bao quanh. Bậc cấp dẫn lên điện hay qua các cửa (tam quan) dù rộng nhưng luôn luôn có chừa một lối đi ngay cửa giữa, có lẽ là dành riêng cho nhà Vua đi, hai bên là hai tượng hình con Lân, giữa là một vòng tròn chạm khắc đôi chim như là Phượng Hoàng vậy. Các quan lại thì chỉ đi lên xuống phía bậc thang bên ngoài hai tượng đó. Ngày nay các bậc thang riêng và tượng đá này được chắn lại bằng một khung sắt để ngăn du khách bước qua nhưng vẫn chiêm ngưỡng được.


Bậc cấp bằng đá chạm trổ

Điện Cần Chính (Geunjeongjeon) có năm gian, được thiết kế sắc sảo với nhiều chi tiết trên các rui mè của cả hai tầng mái cong cong, các cột gỗ sơn đỏ. Các tấm cửa bao quanh thì khá đơn giản nhưng lại mở theo kiểu kéo lên trên rồi móc lại chứ không mở ra hai bên như cửa thông thường. Phía bên trong điện trang nghiêm nhưng đơn sơ với ngai Vua ngự ở sau cùng của gian chính giữa. Ngai bằng gỗ sơn đỏ, có năm bậc cấp bước lên. Phía sau lưng ngai là bức phù điêu vẽ hình năm ngọn núi lớn cùng một mặt trăng và một mặt trời. Phía trước là một án thư để vua phê duyệt. Chung quanh phía trước là độ chừng mươi cái gối cho các Quan ngự, đặt sau những án thư nho nhỏ. Sau lưng các quan là những giá kiểu như giá cắm binh khí, nhưng chỉ cắm những cây quạt, đặt cạnh những lồng đèn hình tứ giác cao độ bảy mươi phân. Trên các cột lớn có treo mấy cái lồng đèn lục giác như giống như đèn kéo quân mà ta thường thấy. Ngoài cùng là hai chiếc đỉnh bằng sứ to, cao hơn cả đầu người. Vòm trần nhà khá cao, các phần gỗ được chạm trổ công phu với ba màu sơn chính: đỏ, xanh lá cây non và vàng. (Đẹp nhưng hơi giống màu đồ chơi con nít bây giờ).

Điện Tư Chính (Sajeongjeon) nằm ngay sau Điện Cần Chính, cách một cái cổng nhỏ, là hai điện lớn dùng vào việc triều chính. Điện này hơi nhỏ, thấp hơn và chỉ có một lớp mái. Thiết kế bên trong cũng tương tự điện Cần Chính. Bên phải Điện Tư Chính là Đông Cung Thái tử (Donggung). Bên trái Điện Tư Chính là điện Tu Chính (Sujeongjeon) dùng để xử lý các vụ việc trong Hoàng Gia.

Điện Cần Chính: Bậc thang và hành lang bằng đá. Bài trí trong chánh điện. Trang trí trên mái ngói.

Kế tiếp là khu vực sinh hoạt của Hoàng Gia, chủ yếu gồm Điện Khang Ninh (Gangnyeongjeon) là nơi Vua ở, Điện Giao Thái (Gyotaejeon) là nơi ở của Hoàng Hậu.


Khang Ninh Điện (Gangnyeongjeon) và Giao Thái Điện (Gyotaejeon) của Đức Vua cùng Hoàng hậu

Bên trái khu này (nằm về phía tây của Hoàng Cung) là một hồ lớn trên đó có một lâu đài tên là Khánh Hội Lâu (Gyeounghoeru) dùng thiết đãi yến tiệc cho các đoàn sứ thần ngoại quốc. Người ta mô tả Khánh Hội Lâu “là một lâu đài diễm lệ, hè đến soi mình dưới làn nước hồ trong xanh như ngọc bích; đông về ẩn mình dưới lớp tuyết trắng tựa bông” (Mình tới mùa đông thôi mà cũng thấy nó đẹp, nhưng trông nó như “phơi” mình “trên” lớp tuyết trắng tựa bông thì đúng hơn).


Khánh Hội Lâu (Gyeounghoeru)

Sau lưng cung Hoàng hậu là vườn Nga Mi Sơn (Amisan), một khu vườn đẹp nhưng hơi kỳ bí. Khi đào hồ làm Khánh Hội Lâu, người ta đã lấy đất để đắp nên vườn Nga Mi này. Chính giữa vườn là hòn đá cầu tự cho Hoàng hậu. Đi ngang nhìn nhìn thôi chứ không dám đụng vô, sợ đụng nhằm giờ "thiên", về ông bà cho thêm đứa nữa thì... Phía sau hòn đá là một dãy dài gồm bốn trụ lớn hình lục giác, bên trên có lợp mái, mỗi mặt có cẩn bức phù điêu bằng đá chạm hình núi rừng, cây cỏ, chim muôn…Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh sao đó thì các cột này còn có chức năng là những ống thoát khói (chimney) cho hệ thống lò sưởi được thiết kế ngầm bên dưới các tòa nhà trong cung điện.


Vườn Nga Mi Sơn (Amisan)

Các ống khói và hòn đá cầu tự trong vườn Nga Mi

Thời tiết ở Seoul khá khác biệt, mùa đông có thể lạnh đến âm 10 độ, nhưng mùa hè lại nóng tới gần 40 độ nên tất cả lâu đài trong Hoàng cung đều thiết kế một phần bệ phía dưới nền nhà để làm lò sưởi. Cấu trúc mái ngói thì trên những rui mè bằng gỗ là một lớp chất kết dính rồi mới đến hai lớp ngói bằng đất nung lợp ngoài cùng. Nhờ thế nên người ta có thể giữ nhiệt độ trong các tòa nhà của Hoàng cung luôn ở khoảng 25 – 26 độ, hè cũng như đông. Phía ngoài trời, trên mái ngói không nhìn thấy các hình chạm khắc kiểu “Lưỡng Long tranh Châu” hay “Lưỡng Long triều Nguyệt” như bên mình, nhưng ở đầu hồi và cuối hai đầu mái thì có nhiều tượng nhỏ và cái đầu rồng. Chuỗi tượng nhỏ này bắt đầu bằng hình tượng của một vị vua (hay tướng lãnh) trông uy nghi, tiếp sau là 4 tượng biểu trưng cho quân lính và quan lại quỳ gối chầu, sau cuối là cái đầu rồng.


Mái ngói
Bên trái của vườn Nga Mi Sơn là Khâm Kính Cát (Heumgyeonggak). Lâu đài này dành cho các quan lại chuyên phụ trách về việc nghiên cứu thiên văn để phục vụ mùa màng cho nông dân. Tại đây có lưu giữ lại mô hình một đồng hồ mô phỏng quỹ đạo chuyển động các thiên thể để tính giờ cả ban ngày lẫn ban đêm, 24 tiết trong năm; hoặc cái đồng hồ nước như cái thau bằng đồng (hình bán cầu),mặt trong có vạch nhiều mức, lòng thau có một cái tượng nhỏ, nước dâng lên tới mức nào đó có thể làm bức tượng gõ vào cái chuông để báo giờ…

Bên phải vườn Nga Mi là điện của Hoàng Thái Hậu Jo, mẹ vua Heonjeong (vị vua thứ 24/27 của triều đại Joseon), người nắm quyền lực trong 15 năm trị vì của vua này. Heonjeong mất không có con kế vị, bà cùng gia tộc Andong Kim (gia tộc quyền lực nhất trong triều đình lúc đó) đưa một người cháu mù chữ lên ngôi vua thứ 25, Cheoljong, và tiếp tục nắm quyền thêm 13 năm nữa cho đến lúc Cheoljong mất mà cũng không có con kế vị. Bà lại sắp đặt cho người cháu khác vốn không có xuất thân từ dòng dõi Hoàng tộc, lên ngôi lúc 12 tuồi, vương hiệu là Gojong (thứ 26). Cung điện của vị vua được xem như là cuối cùng của triều đại Joseon này nằm gần sau cuối của Hoàng Cung Cảnh Phúc (vị vua thứ 27 do người Nhật chọn nên không có ảnh hưởng gì đến Hoàng Cung này nữa – vì lúc đó Nhật Bản đã xâm chiếm Triều Tiên, đem hết Hoàng Gia về bên Nhật "nuôi nấng" rồi).

Giữa Điện của Hoàng Thái Hậu Jo và Điện của vua Gojong là một công trình tuyệt đẹp: Hương Viễn Đình (Hyangwonjeong), một lâu đài nhỏ hình lục giác nằm giũa ao sen được gọi tên là Hương Viễn Trì (Hyangwonji) với chiếc cầu gỗ xinh xinh bắt qua.


Trên đường đi ra Hương Viễn Đình

Điện cuối cùng giáp với cổng phía Bắc của Hoàng Cung là Càn Thanh Cung (Geoncheonggung). Đây là điện mà vua Gojong xây tạm trong thời gian sửa chữa kinh thành, sau này được ông sử dụng như là một thư viện và nơi tiếp các phái viên nước ngoài. Càn Thanh Cung có phong cách gần với kiến trúc Trung Hoa thời Mãn Thanh.

Phía trái của Càn Thanh Cung là khu lăng mộ của Tiên đế. Phía phải là Viện bảo tàng Dân tộc quốc gia, chỉ mới được xây dựng từ năm 1945. Khuông viên quanh bảo tàng có nhiều tượng đá, nhưng ngộ nghĩnh nhất có lẽ là các tượng 12 con giáp, tượng "Grand Papa".


Tượng 12 con giáp ở trước Viện Bảo Tàng Dân tộc cạnh Hoàng Cung.

Đoái bụng rồi, về thôi, bữa khác đi thăm tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét