Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Song Thập

Ngày 10 tháng 10 theo Âm lịch còn được gọi là Tết Song Thập hay là Tết của các Thầy thuốc. Sách Dược lễ có ghi là đến ngày này trong năm, cây thuốc mới "tụ được khí âm dương, kết được sắc bốn mùa" để trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc. Có nơi tổ chức Tết Cơm mới (còn gọi là Tết Hạ Nguyên) vào ngày rằm Tháng Mười hay ngày 31 tháng 10 để nhớ đến công của Tiên Nông (tiên của ruộng đồng) và để ăn mừng việc gặt hái của vụ mùa đã xong.

Song thập mà theo Dương lịch là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), lấy nguồn gốc từ ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Vũ Xương đâu bên Tàu ấy.

Ngày đó năm nay thì trùng với ngày bế mạc đại lễ "Ngàn năm Thăng Long" đâu ngoài Hà Nội (10-10-2010). Ba mẹ thì không ở ngoài đó mà ở trên xe Taxi trong Sài gòn, cuối đường Nơ Trang Long. Mưa nghi ngút, mưa xong thì nước bao la. Nước ngập nhà cửa, đường xá. Nước tràn vào cả trong xe Taxi luôn. Người đông như trẩy hội. Kẹt xe. Tắc đường. Ngồi từ 6g chiều (tới gần 12g khuya mới về được nhà) buồn không biết làm gì nên chụp bà con thiên hạ cho Bi Ky có dịp coi chơi


Mới đầu thì quán xá còn mua bán, sau người đi đường tấp nập trú chân là chính. Nghe mấy người bảo, khi nào kẹt xe thì vào quán uống cafe hay nhâm nhi, mà quán xá thế này ... không biết ngồi chổ nào


Nước cao hơn tí nữa làm bà con phải dắt díu nhau thành đoàn, có người còn cõng nhau như trong phin Hàn Quốc.


Rồi nước cao hơn nữa, gần ngập cả yên xe. Xe chạy không phải bằng máy nổ mà bằng đạp chân.

Xe cộ bị tắt máy do ngập nước, chen chúc nhau vô tiệm như trẩy hội vậy.
Cả xe hơi cũng phải ngừng giữa đường để sửa.

Nhiều xe túm tụm lại ở một thềm nhà cao, hiếm hoi như ốc đảo. Tạnh mưa rồi mà nước vẫn còn, đường vẫn kẹt thêm gần cả hai tiếng cho đoạn đường khoảng 500 mét về nhà mình.


Không biết bán cái gì mà "Đã rẻ lại còn rẻ hơn". Chắc bán "nước lụt" quá.