Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

29 Tết

Ngày cuối năm.

Những ngày cuối năm bao giờ cũng tất bật và rộn ràng cả. Nào là mua sắm, đi cho quà tết, lau chùi nhà cửa, sửa soạn bàn thờ...Năm nay không có Bi Ky, Ba Mẹ lại chuẩn bị ra Huế nên thấy thong thả hơn.

Hôm qua Ba ngủ gần cả buổi chiều để sáng nay dậy sớm chở Mẹ xuống chùa ở Long Thành và Giang Điền thăm Thầy và Sư Cô. Đường đi năm nay được làm mới và rộng ra nên đi cũng dễ hơn năm ngoái, lúc cùng đi với anh Lạc Thư và Bi.

Ba xuống Chùa Phật Ân trước, Ôn Trụ Trì làm cái cổng và lối đi vào Chùa đẹp, nhưng Ba không đem máy ảnh theo nên không chụp cái hình nào cho Bi Ky xem cả. Vào cổng Chùa thay vì quẹo bên phải liền thì bây giờ có thể đi thẳng vào sâu hơn một đoạn nữa (phần vườn cũ) rồi mới rẽ tay phải để đi vào chánh điện. Nhiều phòng mới xây và sửa chữa lại cho rộng hơn. Một cái chuông mới, đặt gần cổng, đang được trang trọng chờ làm nghi thức khai chuông. Chuông khá đẹp, lớn gấp đôi cái chuông cũ. Sau lớp giấy đỏ bọc bên ngoài, người ta có thể đọc được những giòng chữ tri ân với các họa tiết khắc nổi quanh chuông. Thầy nói nó nặng đúng một tấn, do một gia đình gồm một ông bố, một bà mẹ và một đứa con trai cúng dường cho Chùa (tự vì có khắc tên của họ trên cái chuông). Hơi giống trong phim Tàu, chứ phim cổ trang Hàn quốc không có chiện này (không tin thì cứ hỏi Mẹ). Nó được đúc tại Huế rồi mới chở vào Chùa. Chắc ngoài đó các nghệ nhân tài hoa hơn. Hồi ông Nội các con mất, Ba tình cờ được dự một lễ đúc một cái chuông ở dưới Long Khánh: Thợ cũng được mời từ Huế vào. Cái khuôn được làm và đặt sâu dưới lòng đất, chỉ chừa mấy cái ống phểu để đổ đồng vào. Bên cạnh là một cái lò lớn đỏ rực lửa nung chảy đồng trong một cái vạt. Lễ cúng diễn ra trang trọng với sự có mặt của nhiều Hòa thượng cao niên đến từ nhiều Chùa (Sài Gòn, Đồng Nai, Đà Lạt...). Khi chuẩn bị rót đồng vào khuôn thì nhiều Phật tử dự khán quanh đó đứng lên ném các vòng, nhẫn, đồ trang sức bằng vàng của mình vào trong cái vạt. Giòng đồng đỏ rực như lửa từ từ được rót cái khuôn. Sau khi nguội, nó sẽ được đập ra và thợ sẽ trau chuốt lại. Quan trọng nhất trong nghệ thuật đúc chuông là kỹ thuật cũng như chất liệu làm cái khuôn và tỷ lệ thiết pha vào trong đồng để tạo ra một cái chuông có tiếng ngân xa...

Bàn thờ có hình Ôn Nội được dời lên độ hai mươi mét so với vị trí cũ. Các Thầy, Chú và Điệu lăn xăn quét dọn, bày các chậu hoa cùng cây mai lớn trước đại sảnh để buột các phong bao lì xì kèm những lá xăm cho mọi người hái lộc đầu năm. Năm ngoái Ky nhờ anh Bi bốc xăm, hình như có nói đại ý là con đi xa, học tốt, cần phải giao lưu kết bạn thêm với mọi người. Năm nay không ai về Chùa đầu năm nữa nên không ai bốc giùm cho Bi Ky cả.

Ôn Trụ Trì cảm ho. Ba Mẹ đi mua thuốc cho Ôn và thắp hương cho Ôn Nội xong rồi về Chùa Pháp Lạc thăm Sư Cô theo đường tắt ở "ngã ba Thái Lan" mà năm rồi Bi có đi đó, có điều lần này đi ngược lại. Ôn gởi tặng mấy ấn bản kinh sách quý như Tâm Ảnh lục và Ánh Sáng Hoàng Kim của Hòa Thượng Thích Trí Quang, không có Bi ở nhà cho Bi đọc, uổng ghê. Thôi đành để trong tủ sách để "hù" thiên hạ vậy.

Chùa của Sư Cô năm nay cũng xây mới nhiều, khang trang hơn, nhưng thấy Sư Cô lúc nào cũng vất vả. Sân Chùa có nhiều tượng Phật mới và Ba thích nhất là hai cây mai trắng (Nguyệt Mai), nở chi chít đầy những hoa thiệt là đẹp. Ăn trưa với Cô xong Ba Mẹ về lại Sài Gòn. Cô gởi bánh chưng về cúng cho ông bà Nội. Bánh chưng Cô nấu ngon và có màu xanh rất tươi.

Ai cũng hỏi thăm Bi Ky và mong Bi Ky học giỏi, chăm ngoan.

Lại gần hết một năm rồi. Mau thiệt!