Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Song Thập

Ngày 10 tháng 10 theo Âm lịch còn được gọi là Tết Song Thập hay là Tết của các Thầy thuốc. Sách Dược lễ có ghi là đến ngày này trong năm, cây thuốc mới "tụ được khí âm dương, kết được sắc bốn mùa" để trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc. Có nơi tổ chức Tết Cơm mới (còn gọi là Tết Hạ Nguyên) vào ngày rằm Tháng Mười hay ngày 31 tháng 10 để nhớ đến công của Tiên Nông (tiên của ruộng đồng) và để ăn mừng việc gặt hái của vụ mùa đã xong.

Song thập mà theo Dương lịch là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), lấy nguồn gốc từ ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Vũ Xương đâu bên Tàu ấy.

Ngày đó năm nay thì trùng với ngày bế mạc đại lễ "Ngàn năm Thăng Long" đâu ngoài Hà Nội (10-10-2010). Ba mẹ thì không ở ngoài đó mà ở trên xe Taxi trong Sài gòn, cuối đường Nơ Trang Long. Mưa nghi ngút, mưa xong thì nước bao la. Nước ngập nhà cửa, đường xá. Nước tràn vào cả trong xe Taxi luôn. Người đông như trẩy hội. Kẹt xe. Tắc đường. Ngồi từ 6g chiều (tới gần 12g khuya mới về được nhà) buồn không biết làm gì nên chụp bà con thiên hạ cho Bi Ky có dịp coi chơi


Mới đầu thì quán xá còn mua bán, sau người đi đường tấp nập trú chân là chính. Nghe mấy người bảo, khi nào kẹt xe thì vào quán uống cafe hay nhâm nhi, mà quán xá thế này ... không biết ngồi chổ nào


Nước cao hơn tí nữa làm bà con phải dắt díu nhau thành đoàn, có người còn cõng nhau như trong phin Hàn Quốc.


Rồi nước cao hơn nữa, gần ngập cả yên xe. Xe chạy không phải bằng máy nổ mà bằng đạp chân.

Xe cộ bị tắt máy do ngập nước, chen chúc nhau vô tiệm như trẩy hội vậy.
Cả xe hơi cũng phải ngừng giữa đường để sửa.

Nhiều xe túm tụm lại ở một thềm nhà cao, hiếm hoi như ốc đảo. Tạnh mưa rồi mà nước vẫn còn, đường vẫn kẹt thêm gần cả hai tiếng cho đoạn đường khoảng 500 mét về nhà mình.


Không biết bán cái gì mà "Đã rẻ lại còn rẻ hơn". Chắc bán "nước lụt" quá.

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Ngũ đại đồng đường

                          

Ngày xưa, ngoài việc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ thì việc nhiều thế hệ sống cùng nhau dưới một mái nhà còn là một niềm tự hào của gia tộc. Vì nhà ai có giàu thiệt là giàu, lại có phước có đức gì đó nữa mới chơi được cái mốt "tam đại đồng đường" hay "tứ đại đồng đường" ấy. Tức là trong nhà trên có Ông Bà, dưới có Cha Mẹ, con cái, rồi con cái đó nó sanh thêm cho mấy đứa cháu kêu ông bà cố nữa mà vẫn sống quây quần với nhau, không phải ra riêng hay tách khẩu gì hết là

Cái hình Ba chụp được dưới đây lúc đầu nó không mang ý nghĩa đó. Chỉ là thấy đẹp đẹp chụp chơi thôi. Sau đếm được 4 trái sơ ri + cái bông nữa mọc cùng một chổ mới liên tưởng ra cái tên ấy cho "hoành tráng".


Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Thời gian II


Chiếc lá Cát Đằng khô, hoa Cau già, trái Cau chín đỏ, lá khô của cây Quỳnh Anh...tất cả rơi xuống mặt đất khô bên dưới gốc cau. Ảnh chụp vào những ngày mới dọn về nhà mình, hồi đầu năm 2004 thì phải.




    

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Sinh nhật 19 của Bi - Những Tiếng khóc và Nụ cười của con

Trước khi sanh con thì Mẹ có vài khó khăn trong việc thai nghén, cho nên bây giờ trong nhà mình mới có bàn thờ ông Quận đó. Đến nổi có người còn bảo mẹ nên nuôi một đứa con nuôi mới dễ sanh, chưa kịp nuôi ai cả thì đã có bầu Bi.

Hồi đó Ba Mẹ vẫn còn làm ở dưới bệnh viện Long Đất. Nhà tập thể ngay trong bệnh viện. Dạo mang bầu Bi, Ba nhớ là Mẹ hay mặc cái áo sơ mi ca rô xanh – trắng. Mẹ thích uống nước dừa, chắc vì vậy mà Bi trắng, vì Mẹ nói hồi có bầu Ky Mẹ lại thích uống café sữa nên sanh Ky ra da hơi đen.



Nói chung cũng không ốm nghén gì lắm. Được 6 tháng, qua Vũng tàu nhờ Bác Chi (vợ Bác Khoa) dẫn vào bệnh viện Vũng Tàu siêu âm. Hồi đó máy siêu âm còn hiếm lắm. Người ta bảo là con giai, riêng cái cô mụ khám bên đó thì cứ khăn khăn là con gái. Cũng thấy vui vui, bởi vì thực sự thì gái trai gì cũng thương và mong hết. Dạo đó cả Bà Nội lẫn Bà Ngoại đều vào ở với Ba Mẹ để chờ sanh Bi.



Cũng đủ ngày đủ tháng nhưng hôm sanh con, Mẹ đau bụng hoài từ chiều mà mãi tới sáng hôm sau vẫn chưa sanh. Lúc 4g kém 20 gì đó, Bà Ngoại nhờ Ba đi lấy đồ cho mẹ. Ba vừa đi ra ngoài cái là Mẹ sanh Bi. Người ta bảo sanh hoài mà không ra đôi khi là do có mặt người chồng, họ tránh đi đâu đó cái là sanh được ngay. Không biết tại sao vậy, nhưng vài người bạn của Ba cũng thế.



Cô Tư Mị đở sanh cho Mẹ, cô Vân chăm sóc cho con ngay sau sanh. Cô bảo vừa lọt lòng Mẹ cái là con đái ngay, văng cả lên bụng mẹ. Cô Mỵ tính tình vui vẻ, cô Vân thì hay cười và trông lúc nào cũng tươi tắn lắm. Có lẽ vậy nên con lúc nào cũng tươi cười cả và hay đái dầm nữa. Còn các cô đó có mút tay không thì Ba không biết mà Bi thì mút tới lớp 9 mới hết, mút tới lép ngón tay cái luôn vì chỉ mút có một ngón đó.



Dạo được 3 tháng, nằm trong nôi là đã thấy con mút tay rồi, khi nào Mẹ cúi xuống thì tay kia con lại nắm lấy tóc Mẹ kéo xuống. Tới lớn lên thì con vẫn vậy, một tay mút, một tay sờ tóc. Thấy con nít mút tay trông cũng dễ thương nên không ai nỡ bảo Bi bỏ tật đó đi cả, nhưng càng ngày càng lớn mà thấy vẫn vậy nên mọi người hoảng lên, la, hù dọa, khuyên bảo mãi không được. Năm con vào học lớp một tại trường Nguyễn Thanh Đằng ở ngã ba Thành Thái, Bà Rịa, thấy có treo cái hình em bé bị hô miệng do mút tay, sợ quá bỏ được mấy tháng rồi cũng mút lại. Lên Sài Gòn học bán trú ở trường tiểu học Thanh Đa thì không mút trong giờ học nhưng về nhà mút bù. Bi nói cho con mút thêm tới khi học Đại học thì thôi, sau đó có xin “gia hạn” tới khi lấy vợ. Nhưng cuối năm lớp 9, trường Trần văn Ơn trên quận I, Bi té cái gãy 2 cái răng cửa dưới xong cái tự nhiên thôi luôn.

Suốt từ khi sanh cho tới đầy năm, ít khi Bi khóc lắm. Cứ thức dậy là mở miệng cười liền. Ba nhớ con khóc đâu như là lúc đi chích ngừa dưới trạm xá Phước Tỉnh. Cô Y tá chích vào đùi con một mũi thuốc, Ba đứng bên cũng thấy đau nữa huống hồ là con, vậy mà con oe lên đâu có 3 tiếng là nín liền. Mấy anh chị con Bác Thọ, Bác Ký, ai cũng gọi con là Cu Cười.

Người ta nói 3 tháng biết lật, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi. Hồi được 3 tháng, nhìn Bi lật trên giường hay ghế bố trông thiệt buồn cười. Con nằm ngửa, lấy cái chân gát qua 1 bên rồi cố uốn cái mình theo, nhưng chỉ nhích lên chút là rớt cái ạch nằm ngửa lại. Thế mà con vẫn cứ hăng hái làm, mười lần thì 1 lần con lật được mình nằm sấp. Khi đó cái mặt con hớn hở tệ. Càng ngày con càng lật thạo hơn và nhanh hơn, không cần Ba Mẹ "đẩy" phụ nữa. Nhưng khi nằm sấp một hồi thì con bắt đầu mỏi mà không tự nằm ngửa lại được, phải è è mấy tiếng cho Mẹ bồng lên.


Bắt đầu thấy mỏi rồi. (À, cái lắc con đeo là của Ôn Lý tự tay làm cho con đấy)

Con được hơn 3 tháng tuổi thì mình dọn nhà về dưới Phước Tỉnh. Tới khi con đúng 7 tháng là con biết bò. Mỗi tối đi ngủ là Bi nằm giữa Ba Mẹ, lật qua lật lại tí là ngủ ngay. Vậy mà tối hôm đó Ba nhớ tự nhiên Bi lật xong rồi bò được luôn, cứ thế Bi vừa bò lổm ngổm quanh mùng vừa cười hinh hích, không chịu ngủ, làm Ba Mẹ cũng phải ngồi dậy coi Bi bò cả tiếng đồng hồ mới chịu ngủ.

Lạ là Mẹ tập đi cho con hoài từ hồi 9 - 10 tháng gì đó, mà con sợ không dám đi. Tới ngày thôi nôi, sáng ra mọi người mặc quần áo và mang giày cho con xong cái là tự nhiên con bước chập chững một mình.

Ba Mẹ vẫn làm ở Long Đất, thỉnh thoảng lên Bà Rịa đi chợ hay mua thêm thuốc cho phòng mạch...đều hay chở Bi theo. Bi hay được Mẹ mặc cho quần Jean xanh, áo thun trắng, giày Bata, đội nón Bere trắng, mang kính mát gọng màu xanh. Lên xe chạy hồi cái là con ngủ gật ngay. Được cái tới nơi tỉnh dậy là cười ngay chứ không khóc. Dắt đi đâu là vui vẻ đi theo đó. Có bữa nào mỏi chân thì đòi Mẹ bồng: “Mẹ ơi! Mẹ bồng con đi, con không nặng chịch nữa đâu!”


Con to bằng con Vá thế này mà bảo là không "nặng chịch"

Ba không nhớ rõ lúc con mười mấy tháng tuổi gì đó, có 1 lần Ba Mẹ chở con lên Sài gòn. Đó là lần xuất ngoại (tỉnh) đầu tiên của con. Đi đường cũng rất ngoan, ngủ là chính. Ngang Long Thành ngừng lại xi đái tí thôi rồi đi thẳng tới Sài Gòn luôn. Cả chuyến đi Ba mệt mà không thấy Bi mệt gì cả.

Bây giờ con cũng đã lớn lắm rồi cho nên con biết nhiều chuyện hơn trong cuộc sống, nhưng có thể con không nhớ những chuyện hồi nhỏ của mình hay có những chuyện con cũng chẳng biết nữa vì nó xảy ra lúc con còn chưa sinh ra. Ba Mẹ thì nhớ nhiều lắm nhưng nói nhiều thì nhiều khi con cái nó lại thấy lẩm cẩm.


Lần đầu tiên đi về Sài Gòn. Hồi đó đường còn vắng lắm


Tiếc là chỉ còn mấy cái hình khi Bi đã lớn rồi không hà.
Ruộng muối Long điền mùa mưa, khi đó người ta không làm muối nữa mà để nước ngập như những cái hồ.



Hồ nước ngọt, ở gần mỏ đá Long Hải

Những nụ cười của con thì không nhớ hết được, nhưng những lần con khóc thì Ba vẫn nhớ rất rõ. Không kể những cái khóc vặt vãnh do đau ốm hay bổ té (chích thuốc, truyền dịch Bi cũng không khóc, trừ cái lần chích ngừa đầu tiên thôi) thì những ngày phải gởi con trong nhà trẻ của Dòng các Soeur Chợ Quán để Ba Mẹ đi làm lúc con độ 2 tuổi, và những lần Ba đánh đòn con khi con lớn rồi.

Ba Mẹ cứ ray rứt vì không có điều kiện tốt hơn cho con, sáng nào con cũng đi với Ba Mẹ tới nhà Dòng, đến khi Soeur dắt con vào trong là Ba Mẹ lật đật quay đi để bớt phải nghe tiếng con khóc thét lên "Ba Mẹ đâu rồi". Không phải các Soeur không thương con, mà vì mình không tìm được người trông con ở nhà trong thời điểm đó. Còn mỗi lần nhớ tới chuyện Ba đánh con khóc là Ba lại không ngớt tự sĩ vả mình vì đã làm như thế. Những áp lực mà Ba phải chịu trong cuộc sống cũng không thể bào chữa cho những lỗi lầm đó của Ba đối với con. Nếu mà con có buồn phiền Ba vì những điều Ba đã làm với con đó, vì thật sự Ba rất đáng trách, thì Ba thiết tha mong con đừng bao giờ làm thế với con của con sau này...

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Sim


(Ảnh từ Google)

Cây sim thường mọc hoang trên đồi núi, dạng cây bụi thấp chừng non mét, thân gỗ nhưng nhỏ, lá hơi thuôn dài, láng, mặt trên sậm màu hơn mặt dưới. Mùa sim chín, phải đi từng cây để chọn trái chín mà hái vì trái chưa chín hay bị chát. Mỗi cây thường chỉ hái được độ vài ba trái. Lấy cái nón ra đựng, đi "mót" cả vài chục cây sim mới có được đầy nón để ăn.


Hoa Sim (Ảnh từ Google)

Quả sim chín có màu tím và mềm, ăn ngọt như quả nho nhưng mềm hơn nho tí. Ăn xong đứa nào thè lưỡi ra cũng thấy tím cả cái lưỡi, ngon và vui lắm. Thường phải cắn bỏ cái "đầu" (phần trên cùng tựa như chóp của trái ổi vậy), xong lủm hết phần còn lại vào miệng.


Trái sim (Ảnh từ Google)

Sim chín vào mùa hè. Trước 75 thì vào hè là tụi nhóc hay được người lớn mua sim cho ăn. Sim bán theo từng lon "sữa bò", là cái lon sữa đặt có đường xài hết rồi, người ta rửa sạch dùng để đong gạo, đậu phụng (lạc)... Trong miền Nam gọi là "bò", miền Bắc gọi là cái ống bơ. Sim chín được thu mua từ những người nghèo hay trẻ nghèo hái trên núi. Người bán dồn sim chín vào trong một cái thúng hay cái rổ đan bằng tre hoặc cái thau, dùng lon sữa bò để đong. Giá hồi đó rẻ lắm, độ 1 hay 5 đồng cắt 1 lon thôi. Sim ăn vị ngọt lịm, nó chỉ có ít hột nhỏ li ti nên nhai cả vỏ nuốt luôn. Trái nào chín mọng thì có màu tím sậm, ăn ngọt. Trái nào chưa chín lắm thì ăn hơi chát.

Sau 75, hầu hết mọi đứa trẻ đều phải đi "lao động" hoặc đi làm cái gì đó kiếm sống và phụ giúp gia đình. Mọi người vào núi để đốn củi hay gom lá thông về làm chất đốt nên có dịp nhìn thấy cây sim thường hơn và tự hái lấy sim chín ăn. Vì hái bất chợt vậy thì o phải lúc nào có sẳn sim chín, chỉ hơi hườm cũng đã "xơi"
luôn rồi, nên hay bị chát, chứ không ngon như hồi nhỏ hay mua từng lon về ăn nữa. Với lại nhiều người hái quá nên nó cũng ít dần đi.

Cạnh cây sim thường có mọc lên một cây giống giống y như sim vậy. Hoa cũng màu tím y chang, nhưng lá thì hơi tròn hơn và dày hơn, màu nhạt hơn. Trên mình lá, đọt non và trái đều có nhiều lông tơ. Nhưng trái không ăn được. Có người gọi nó là cây Mua?



Hoa Mua (Ảnh từ Google)

Các ảnh trên lấy từ các trang mạng sau:
1.
http://cuongdequynhon.wordpress.com/2009/11/30/chuy%E1%BB%87n-van-cung-hoa/
2. http://forum.ctu.edu.vn/viewtopic.php?t=2944
3. http://my.opera.com/dangtien/blog/ca
4. http://forum.ctu.edu.vn/viewtopic.php?t=5088&sid=dd36171f93cc6b469488b61efca3e1cb

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Hữu Loan

Hữu Loan (02/4/1916 - 18/3/2010)
(Tranh sơn dầu của Họa sĩ Lê Quân, 2008)

Ông vừa mới mất ngày hôm qua. Có lẽ không phải giới thiệu ai cũng biết đây là một nhà thơ, một nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 02/4/1916 tại quê ở làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.

Nhắc đến thi sĩ Hữu Loan, không ai có thể quên được bài thơ "Màu tím hoa Sim" mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc với tựa đề "Áo em sứt chỉ đường tà" và hình ảnh một ông già râu tóc bạc chấp nhận về quê đập đá kiếm sống chứ không xu nịnh và khuất phục...

Cầu chúc hương hồn của ông mãi mãi về với nơi bình yên và với người mà ông thương yêu thuở ấy.



...Ngày hợp hôn
- nàng không đòi may áo mới - Tôi mặc đồ quân nhân - đôi giày đinh -bết bùn đất hành quân...
...Lấy chồng thời chiến binh -
Mấy người đi trở lại - Nhỡ khi mình không về - thì thương - người vợ chờ - bé bỏng chiều quê...
...Nhưng không chết -
người trai khói lửa - Mà chết - người gái nhỏ hậu phương...

...Tôi về - không gặp nàng - Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối - Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương - tàn lạnh vây quanh
...

...Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím - áo nàng màu tím hoa sim -
Ngày xưa - một mình đèn khuya - bóng nhỏ - Nàng vá cho chồng tấm áo - ngày xưa...


...Chiều hành quân - Qua những đồi hoa sim...
...Nhìn áo rách vai - Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...






Còn dưới đây là bài mà nhạc sĩ Dzũng Chinh đã phổ nhạc theo một phong cách khác, nó có liên quan đến Ba như một kỷ niệm hồi còn bé (độ 4 - 5 tuổi gì đó), dịp khác Ba sẽ kể.




http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/loi-tu-thuat-cua-tac-gia-bai-tho-mau.html

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Seoul - Gyeongbokgung mùa đông


Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung)

Hơn năm tiếng quá cảnh nên chỉ đi thăm được cố đô Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung) và lang thang tí xíu trên đường phố để tìm quà lưu niệm mà thôi. Chiếc van chở mọi người từ sân bay Incheon đến cung điện Cảnh Phúc (Gyeongbok) độ non một tiếng. Tuyết trắng xóa dọc hai bên đường, đọng cả trên mái nhà, trên các gờ đá, một chút trên các trụ điện, tượng đài, thân cây, bảng quảng cáo ngoài trời...Tuyết cũng ngập trắng cả quảng trường trước cung điện, trên những thân cây nghiên già cỗi, mái ngói và bờ tường (chẳng thấy rêu phong gì cả, chắc tại lạnh quá rêu nó mọc không nổi).

Cảnh Phúc cung là một kinh thành đẹp nhất của thành phố Seoul, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIV. Có hơn 330 công trình tọa lạc trên một khu đất hình thang theo trục Nam- Bắc, phía sau rộng hơn phía trước (hồi đó người ta cũng khoái "nở hậu" ha), nằm ngay trong lòng một dãy núi cong cong hình giống như chữ w úp ngược. Thế phong thủy này có lẽ đã giúp cho vương triều Joseon trị vì đất nước Triều Tiên trong suốt một khoảng thời gian dài đến 500 năm.


Cảnh Phúc Cung nằm giữa vòng cung của một dãy núi phía Bắc (ảnh từ Google Map)

Có bốn lối vào thành mà cửa lớn nhất ở phía nam là Quang Hóa Môn (Gwanghwamun) hiện đang sửa chữa. Có nhiều binh lính đứng canh và các quan binh đi tuần trong y phục cổ xưa làm ai cũng tưởng họ đang chuẩn bị cho một show diễn gì đó kiểu như ở Pattaya (Thailand), Sentosa (Singapore) hay kiểu hóa trang thành các chiến binh quanh đấu trường Colysée (Rome-Italy) cho du khách chụp hình (có trả tiền)... Chuẩn bị ít tiền lẻ định chụp hình chung, mới biết đó là một hoạt động vừa an ninh vừa văn hóa của người dân Hàn quốc. Đến đúng ngọ thì cả một toán binh lính rầm rộ đổi gác, có cả trống kèn, cờ xí ì xèo như thiệt. Họ giới thiệu luôn cho chúng ta phần nào sắc thái của sinh hoạt cung đình ngày trước mà họ đã cố gắng gìn giữ. Thật đáng quý nếu biết Cung đình Gyeongbokgung phải được phục chế đến gần 70% những gì đã hư hại sau đệ nhị thế chiến (cuộc chiến Nhật-Hàn), như Trần Đức Anh Sơn đã viết trong phần Hàn Chương, cuốn "Rong ruổi thực lục": “Lịch sử dẫu có lúc thăng trầm, nhưng văn hóa Triều Tiên vẫn sống mãi và cổ tích Gyeongbokgung đã và đang tái sinh một cách trọn vẹn cả phần xác lẫn phần hồn”.


Đi dọc theo trục Nam-Bắc thì kế tiếp là Hưng Lễ Môn (Heungnyemun), bước qua đó là cái sân rộng lát đá với cây cầu Yongje cũng bằng đá thấp thấp bắt qua con hào nhỏ như kiểu con hào bao quanh Đại Nội - Huế vậy. Cũng không có gì đặc biệt lắm, con hào đóng băng và chung quanh cầu phủ đầy tuyết nên nhìn mãi mới ra.



Hưng Lễ Môn (Heungnyemun)

Qua khỏi cổng kế, Cần Chính môn (Geunjeongmun) là một khoảnh sân rộng trước khi nhìn thấy Cần Chính điện (Geunjeongjeon). Đó là một tòa nhà đồ sộ, hai tầng mái, đặt trên một nền đá cao có nhiều bậc cấp dẫn lên qua hai hành lang lộ thiên bằng đá chạm trổ bao quanh. Bậc cấp dẫn lên điện hay qua các cửa (tam quan) dù rộng nhưng luôn luôn có chừa một lối đi ngay cửa giữa, có lẽ là dành riêng cho nhà Vua đi, hai bên là hai tượng hình con Lân, giữa là một vòng tròn chạm khắc đôi chim như là Phượng Hoàng vậy. Các quan lại thì chỉ đi lên xuống phía bậc thang bên ngoài hai tượng đó. Ngày nay các bậc thang riêng và tượng đá này được chắn lại bằng một khung sắt để ngăn du khách bước qua nhưng vẫn chiêm ngưỡng được.


Bậc cấp bằng đá chạm trổ

Điện Cần Chính (Geunjeongjeon) có năm gian, được thiết kế sắc sảo với nhiều chi tiết trên các rui mè của cả hai tầng mái cong cong, các cột gỗ sơn đỏ. Các tấm cửa bao quanh thì khá đơn giản nhưng lại mở theo kiểu kéo lên trên rồi móc lại chứ không mở ra hai bên như cửa thông thường. Phía bên trong điện trang nghiêm nhưng đơn sơ với ngai Vua ngự ở sau cùng của gian chính giữa. Ngai bằng gỗ sơn đỏ, có năm bậc cấp bước lên. Phía sau lưng ngai là bức phù điêu vẽ hình năm ngọn núi lớn cùng một mặt trăng và một mặt trời. Phía trước là một án thư để vua phê duyệt. Chung quanh phía trước là độ chừng mươi cái gối cho các Quan ngự, đặt sau những án thư nho nhỏ. Sau lưng các quan là những giá kiểu như giá cắm binh khí, nhưng chỉ cắm những cây quạt, đặt cạnh những lồng đèn hình tứ giác cao độ bảy mươi phân. Trên các cột lớn có treo mấy cái lồng đèn lục giác như giống như đèn kéo quân mà ta thường thấy. Ngoài cùng là hai chiếc đỉnh bằng sứ to, cao hơn cả đầu người. Vòm trần nhà khá cao, các phần gỗ được chạm trổ công phu với ba màu sơn chính: đỏ, xanh lá cây non và vàng. (Đẹp nhưng hơi giống màu đồ chơi con nít bây giờ).

Điện Tư Chính (Sajeongjeon) nằm ngay sau Điện Cần Chính, cách một cái cổng nhỏ, là hai điện lớn dùng vào việc triều chính. Điện này hơi nhỏ, thấp hơn và chỉ có một lớp mái. Thiết kế bên trong cũng tương tự điện Cần Chính. Bên phải Điện Tư Chính là Đông Cung Thái tử (Donggung). Bên trái Điện Tư Chính là điện Tu Chính (Sujeongjeon) dùng để xử lý các vụ việc trong Hoàng Gia.

Điện Cần Chính: Bậc thang và hành lang bằng đá. Bài trí trong chánh điện. Trang trí trên mái ngói.

Kế tiếp là khu vực sinh hoạt của Hoàng Gia, chủ yếu gồm Điện Khang Ninh (Gangnyeongjeon) là nơi Vua ở, Điện Giao Thái (Gyotaejeon) là nơi ở của Hoàng Hậu.


Khang Ninh Điện (Gangnyeongjeon) và Giao Thái Điện (Gyotaejeon) của Đức Vua cùng Hoàng hậu

Bên trái khu này (nằm về phía tây của Hoàng Cung) là một hồ lớn trên đó có một lâu đài tên là Khánh Hội Lâu (Gyeounghoeru) dùng thiết đãi yến tiệc cho các đoàn sứ thần ngoại quốc. Người ta mô tả Khánh Hội Lâu “là một lâu đài diễm lệ, hè đến soi mình dưới làn nước hồ trong xanh như ngọc bích; đông về ẩn mình dưới lớp tuyết trắng tựa bông” (Mình tới mùa đông thôi mà cũng thấy nó đẹp, nhưng trông nó như “phơi” mình “trên” lớp tuyết trắng tựa bông thì đúng hơn).


Khánh Hội Lâu (Gyeounghoeru)

Sau lưng cung Hoàng hậu là vườn Nga Mi Sơn (Amisan), một khu vườn đẹp nhưng hơi kỳ bí. Khi đào hồ làm Khánh Hội Lâu, người ta đã lấy đất để đắp nên vườn Nga Mi này. Chính giữa vườn là hòn đá cầu tự cho Hoàng hậu. Đi ngang nhìn nhìn thôi chứ không dám đụng vô, sợ đụng nhằm giờ "thiên", về ông bà cho thêm đứa nữa thì... Phía sau hòn đá là một dãy dài gồm bốn trụ lớn hình lục giác, bên trên có lợp mái, mỗi mặt có cẩn bức phù điêu bằng đá chạm hình núi rừng, cây cỏ, chim muôn…Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh sao đó thì các cột này còn có chức năng là những ống thoát khói (chimney) cho hệ thống lò sưởi được thiết kế ngầm bên dưới các tòa nhà trong cung điện.


Vườn Nga Mi Sơn (Amisan)

Các ống khói và hòn đá cầu tự trong vườn Nga Mi

Thời tiết ở Seoul khá khác biệt, mùa đông có thể lạnh đến âm 10 độ, nhưng mùa hè lại nóng tới gần 40 độ nên tất cả lâu đài trong Hoàng cung đều thiết kế một phần bệ phía dưới nền nhà để làm lò sưởi. Cấu trúc mái ngói thì trên những rui mè bằng gỗ là một lớp chất kết dính rồi mới đến hai lớp ngói bằng đất nung lợp ngoài cùng. Nhờ thế nên người ta có thể giữ nhiệt độ trong các tòa nhà của Hoàng cung luôn ở khoảng 25 – 26 độ, hè cũng như đông. Phía ngoài trời, trên mái ngói không nhìn thấy các hình chạm khắc kiểu “Lưỡng Long tranh Châu” hay “Lưỡng Long triều Nguyệt” như bên mình, nhưng ở đầu hồi và cuối hai đầu mái thì có nhiều tượng nhỏ và cái đầu rồng. Chuỗi tượng nhỏ này bắt đầu bằng hình tượng của một vị vua (hay tướng lãnh) trông uy nghi, tiếp sau là 4 tượng biểu trưng cho quân lính và quan lại quỳ gối chầu, sau cuối là cái đầu rồng.


Mái ngói
Bên trái của vườn Nga Mi Sơn là Khâm Kính Cát (Heumgyeonggak). Lâu đài này dành cho các quan lại chuyên phụ trách về việc nghiên cứu thiên văn để phục vụ mùa màng cho nông dân. Tại đây có lưu giữ lại mô hình một đồng hồ mô phỏng quỹ đạo chuyển động các thiên thể để tính giờ cả ban ngày lẫn ban đêm, 24 tiết trong năm; hoặc cái đồng hồ nước như cái thau bằng đồng (hình bán cầu),mặt trong có vạch nhiều mức, lòng thau có một cái tượng nhỏ, nước dâng lên tới mức nào đó có thể làm bức tượng gõ vào cái chuông để báo giờ…

Bên phải vườn Nga Mi là điện của Hoàng Thái Hậu Jo, mẹ vua Heonjeong (vị vua thứ 24/27 của triều đại Joseon), người nắm quyền lực trong 15 năm trị vì của vua này. Heonjeong mất không có con kế vị, bà cùng gia tộc Andong Kim (gia tộc quyền lực nhất trong triều đình lúc đó) đưa một người cháu mù chữ lên ngôi vua thứ 25, Cheoljong, và tiếp tục nắm quyền thêm 13 năm nữa cho đến lúc Cheoljong mất mà cũng không có con kế vị. Bà lại sắp đặt cho người cháu khác vốn không có xuất thân từ dòng dõi Hoàng tộc, lên ngôi lúc 12 tuồi, vương hiệu là Gojong (thứ 26). Cung điện của vị vua được xem như là cuối cùng của triều đại Joseon này nằm gần sau cuối của Hoàng Cung Cảnh Phúc (vị vua thứ 27 do người Nhật chọn nên không có ảnh hưởng gì đến Hoàng Cung này nữa – vì lúc đó Nhật Bản đã xâm chiếm Triều Tiên, đem hết Hoàng Gia về bên Nhật "nuôi nấng" rồi).

Giữa Điện của Hoàng Thái Hậu Jo và Điện của vua Gojong là một công trình tuyệt đẹp: Hương Viễn Đình (Hyangwonjeong), một lâu đài nhỏ hình lục giác nằm giũa ao sen được gọi tên là Hương Viễn Trì (Hyangwonji) với chiếc cầu gỗ xinh xinh bắt qua.


Trên đường đi ra Hương Viễn Đình

Điện cuối cùng giáp với cổng phía Bắc của Hoàng Cung là Càn Thanh Cung (Geoncheonggung). Đây là điện mà vua Gojong xây tạm trong thời gian sửa chữa kinh thành, sau này được ông sử dụng như là một thư viện và nơi tiếp các phái viên nước ngoài. Càn Thanh Cung có phong cách gần với kiến trúc Trung Hoa thời Mãn Thanh.

Phía trái của Càn Thanh Cung là khu lăng mộ của Tiên đế. Phía phải là Viện bảo tàng Dân tộc quốc gia, chỉ mới được xây dựng từ năm 1945. Khuông viên quanh bảo tàng có nhiều tượng đá, nhưng ngộ nghĩnh nhất có lẽ là các tượng 12 con giáp, tượng "Grand Papa".


Tượng 12 con giáp ở trước Viện Bảo Tàng Dân tộc cạnh Hoàng Cung.

Đoái bụng rồi, về thôi, bữa khác đi thăm tiếp.