Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Làng Truồi

Núi Ấn Lĩnh, Sông Hưng Bình



Search trên Google thì đúng là tìm ra được
cái tên gốc của Núi Truồi liền, hay thiệt. Ngày đó, nghe Mụ Bích nói Núi Lĩnh, sông Hưng mà cứ ngỡ Mụ nhớ lộn "núi Lĩnh sông Lam" ngoài xứ Nghệ, vì hồi trước Ôn Nội có ra làm quan Tri Huyện một dạo ngoài Huyện Kỳ Anh.

Ngoại trừ vài truyện ngắn hiếm hoi như "Tôi đi học" là có chút nắng ngày đầu Thu của mùa tựu trường, nhưng lại không phải viết về Huế, còn lại mấy truyện về Huế hay Truồi mà Thanh Tịnh viết đều nặng nề và tối. Hết cái tối và mưa lạnh của đêm mùa đông trên con đường gần Ga Truồi, đến cái tối và bí ẩn bao trùm làng Truồi cùng cánh rừng quanh ngọn núi Ấn
ngày ấy có người đàn ông "ngậm ngãi tìm trầm" biến thành cọp. Cả đến ngày Tết mà ông cũng chỉ vẽ ra có vài ánh đèn leo lét trên mặt sóng đầm Cầu Hai đêm ba mươi.

Khác với ký ức của Ba về làng Truồi thì con sông Hưng lấp lánh ánh nắng, chảy dài ngang qua làng Đông Di là quê Nội, qua cầu Truồi tới làng Sư Lỗ Đông là quê Ngoại. Sông tuy nhỏ nhưng nước bao giờ cũng trong xanh cả. Bên này sông là xã Lộc Điền, bên kia sông là xã Lộc An. Những ngày mưa mùa đông, dù nước sông Hương có vàng đục lại thì về ngang cầu truồi vẫn thấy nó còn xanh. Cầu Truồi không lớn, có lẽ vì nó chỉ làm cho tàu hỏa chạy qua mà thôi, nhưng xinh xắn và trông giống như cầu Trường Tiền tuy có ít "vài" và ít "nhịp" hơn, nằm cạnh bên cây cầu đường bộ.


Cầu Truồi

Con đường làng chạy dọc hai bên bờ sông Truồi ngày ấy mặc dù đầy đá nhưng hai bên đường xanh mướt bóng tre, những bụi mâm xôi xem lẫn vài cây ngũ sắc và vẫn còn một lối nhỏ đất thịt bằng phẳng ven bờ cỏ cho người đi bộ hay xe đạp.
Có điều ngộ là lớp đá lát trên con đường từ Ga Truồi đi lên phía làng Đông Di thì nhỏ và nhọn, nhưng từ Ga Truồi đi về phía về làng Sư Lỗ thì tròn và to, gần bằng trái dừa. Người qua lại trên đường tấp nập cả buổi sáng và buổi chiều, những gánh chè tươi đã được bó lại, những gánh khoai sắn mới đào lên hôm qua, những gánh cây trái mới hái từ trong vườn, những tảng bột lọc trắng phau gói trong lá chuối...kỉu kịt hướng xuống chợ, về thì tôm cá, rau đậu, quà bánh. Người ta đi bộ và dùng quang gánh hoặc giỏ xách để đựng đồ. Tiếng chào nhau không ngớt như là ai cũng quen nhau ở cái làng nhỏ bé này: "Chào Bác, Chào cụ, Chào Ôn"...Có khi câu chào chỉ cụt ngủn: "Mự (mợ), Cậu...Câu trả lời đôi khi cũng vậy: "Dạ, Ời...hoặc dài hơn: "Chà, gánh chi mà nặng rứa hè? Cá bữa ni rẻ khôn O?"...


Xuôi giòng

Vườn Ôn Nội nằm sát bờ sông, có một cái bến sông bằng cement nằm cạnh gốc đa nho nhỏ. Hầu như mỗi nhà đều có một bến sông nhưng năm hay bảy bến mới có một bến sông lớn mà cả xóm tới dùng. Buổi chiều là bắt đầu có đông người xuống bến tắm giặt. Đa phần là các cô các bà mang từng thau áo quần, có khi cả chiếc chiếu xuống giặt. Những thằng nhóc và con bé cũng được lôi theo để mẹ chúng tắm táp và kỳ cọ. Thi thoảng mới có một thanh niên trong đám họ. Tiếng cười nói, kể chuyện, trẻ con nô giỡn, tiếng giũ áo quần dưới nước, đôi khi vang lên tiếng của chiếc chiếu (được gấp lại) đập xuống mặt nước bành bạch. Vài chiếc đò dọc lặng lẽ chèo qua. Một chiếc cắm sào và neo lại giữa giòng để giăng lưới hay làm gì đó không biết.

Khu đất nhà Ôn hình chữ nhật, bề ngang giáp bờ sông, bề dọc một bên giáp vườn (không nhớ của nhà ai, chỉ nhớ có nhà Mụ Lòn bán bánh canh ngon lắm) một bên là con ngỏ dài dẫn ra bến sông. Từ bến sông đi vào, bên trái ngỏ là vườn nhà ông Đội Cung, vào tí nữa là nhà ông Xạ Hương, vào sâu nữa là nhà gì thì quên mất rồi, chỉ nhớ gần cuối ngỏ là nhà của chú Lùn, chú Vồ, trước khi qua một khu vườn rộng để vào một con đường khác. Nhà Ôn xây chính giữa khu đất, lưng quay ra hướng bờ sông, phía trước nhà là một cái sân và vườn trước, sau nhà là vườn sau. Cổng nằm bên trái nhà, tức là trổ ra con ngỏ, đối diện cổng nhà ông Xạ Hương.

Cả vườn trước và sau của Ôn đều trồng chè. Gốc chè được trồng cách nhau độ chừng non hai mét, cao cũng chừng hai mét. Thân to cở bắp tay, loang lỗ các mảng vỏ trắng xám như rêu khô. Từ những thân lâu năm này mọc ra nhiều nhánh non nhỏ. Lá chè được hái từ các nhánh này hai hay ba lần gì đó trong một năm. Người hái mang một cái gùi nhỏ, đứng trên thang thấp hoặc trên mặt đất dùng tay tước độ năm đến mười lá trên mỗi nhánh, chừa lại cái lá búp và một lá non trên ngọn. Sau khi gom lá chè hái được thành một đống, người ta sẽ phun nước để giữ cho lá luôn tươi trước khi bó lại thành từng bó vuông vức cỡ chừng gang tay bằng sợi lạt tre.


Hoa Chè, Ba chụp trong vườn nhà Nội ở Đông Di, Truồi, năm Bà Nội mất

Hoa chè nở vào cuối năm (không biết có nhớ tầm bậy không?), nụ tròn và xanh như nụ hoa đào, cánh cũng trắng nhưng nhụy lại có màu vàng mơ. Hoa chè không thơm lắm nhưng đẹp. Khi kết trái, hình dáng cũng ngộ nghĩnh, nó như 3 hạt đậu phụng dính nhau ở giữa kiểu chiếc lá me 3 cánh. Mùa hè thì trái chín, tách vỏ ra
được ba hạt tròn màu nâu như ba hòn bi nhỏ. Hồi nhỏ không có bi thủy tinh, lấy tạm hạt chè chơi cũng được nhưng hơi nhẹ, bắn không đã lắm. Nhiều người khen nước chè nhưng thực tình mà nói thì Ba thấy nước chè xanh hơi khó uống hơn trà.


Dâu còn xanh trong vườn nhà Ôn
Nội.

Ở vườn trước, gần lối vào cổng Ôn có trồng một cây dâu, vườn sau cũng có một cây. Thân cây cao to cứ như là cây cổ thụ nhưng cành mềm, dễ gãy nên không ai dám trèo. Lạ là hoa mọc từ thân cây thành từng chuỗi vàng rất thích mắt, từ dưới gốc mọc lên không chừa chỗ nào. Những chuỗi này kết thành từng chùm trái chi chít cây nên càng khó trèo hơn. Trái dâu khi chín vỏ màu vàng, mỏng, bên trong có ba đến bốn múi, vị ngọt thanh, có khi hơi chua. Trái này sấy khô thì khó chứ đóng hộp thì chắc là ngon tuyệt.

Ngoài chè và dâu thì Truồi vẫn có nhiều thứ ngon lắm, như bột lọc, mít, quýt, thanh trà, ổi, mía...Không biết Ba nói có đúng không hay tại vì thuở nhỏ thì thấy cái gì cũng ngon cả.

Rảnh Ba viết tiếp, giờ con đọc tạm mấy cái link của bác Nguyễn Trường và cô Kim Ngọc để biết thêm về Truồi.

http://nguyentruongvn.com/Home/NewsDetail.aspx?newsid=32

CHÈ XANH LÀNG TRUỒI

Hồi xưa, tất cả các làng quê dưới chân núi Ấn Lãnh, dọc theo hai bờ sông Hưng Bình đều gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi. Từ cái làng Truồi "gốc" ấy mà không biết từ bao giờ đã "Truồi hóa" núi Ấn sông Hưng thành núi Truồi sông Truồi và cả một vùng đất rộng người đông này thành địa danh xứ Truồi hiện nay. Giờ đây những ông già bà cả trong vùng vẫn quen gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi, làng của nhiều loại cây trái, trong đó cây chè xanh được xem là cây đặc sản của một vùng đất vì hương vị độc đáo riêng biệt của nó. Và không ai lạ gì trong các buổi chợ ở đây, người mua chè thường giành mua trên tay nếu mặt hàng này từ làng Truồi đem bán. Cũng khỏi cần hỏi tới hỏi lui, chỉ nhìn qua là biết chè làng Truồi để mua rồi. Khi nâng bát nước chè xanh lên môi nhấp một ngụm, người sành điệu có thể phân biệt được đâu là chè xanh làng Truồi với các làng khác trong vùng.

Chè xanh khắp làng Truồi đều được tiếng như thế. Nhưng không phải nơi nào trong làng chè xanh cũng có hương vị giống nhau. Cùng là chè làng Truồi cả, thế mà phải là chè Phủ mới có hương vị độc đáo. Phủ là một khoảnh đất bằng phẳng rộng chừng 6 ha chuyên canh cây chè, tiếp giáp với đồi núi cuối làng. Người đi mua chè lứa của các chủ vườn thường chọn mua cho được chè Phủ. Đã là chè Phủ thì không chê vào đâu được. Cây chè cứ mơn mởn, sây lá đều nhau từ gốc đến ngọn chỉa lên trời. Dưới nắng sớm mai, lá chè xanh vàng đến mát mắt, làm cho những cô gái hái chè cảm thấy "sướng tay", hứng lên hò đưa tình đối đáp với nhau không biết chán là gì.

Muốn chọn lá chè để nấu uống, người làng Truồi bao giờ cũng chọn lá chè ở chính giữa vườn, nơi cây chè không bị che khuất ở trên. lá chè phải nhỏ bản, có màu vàng non, tươi mà giòn, thì nứoc chè mới cho màu sắc vàng xanh, uống vào hơi chát mà ngọt mãi nơi cổ họng.

Chọn được lá chè vừa ý rồi mà không có nước nấu vừa ý thì cũng bằng không. Nước nấu chè xanh mà dùng nước giếng có chút nhiễm phèn thì coi như bỏ. Bây giờ người ta dùng nước máy đun sôi để pha chè. Còn ngày xưa người ta cho rằng đã là chè Truồi thì phải nấu với nước sông Truồi mới "đúng điệu" của nó.. Và để có nước sông Truồi như thế, người ta phải dùng trái bầu khô, bơi ra chính giữa dòng lấy nước về. Nước nấu bằng nồi đất nung. Chè rữa sạch, vò sơ, cho vào ấm sành. Nước sôi đổ vào lắc đều, chắt bỏ nước đầu, chỉ dùng nước thứ hai. Trong ấm chè không nên thêm gừng, vì mùi gừng sẽ khử mất mùi thơm tự nhiên của chè xanh. Nước chè pha ra cái bát sành để thật nguội uống mới đã cơn khát. Hương của bát nước chè xanh làng Truồi tỏa ra thơm thơm, uống vào thấy chát chát ngọt ngọt, khiến những ai quen dùng cứ nhớ, thành "nghiện, ăn xong mà không có bát nước chè xanh là không chịu được...

DÂU TRUỒI

Trong nhiều loại trái cây có hương vị ngọt ngào, thơm ngon ở đây thì dâu Truồi được xem là loại trái cây đặc trưng của xứ Truồi mà khách trong nam ra, ngoài bắc vaò đều biết tiếng. Hằng năm cứ đến tháng 5 âm lịch là mùa dâu chín rộ. Trong một chùm dâu sai quả thì quả nào có điểm son là quả ngọt nhất. Vị ngọt của dâu điểm son khó so sánh được với bất cứ vị ngọt của một loại trái cây naò khác. Người ta nói, ăn quả dâu tiên xứ Truồi thì "ngậm mà nghe", nghe hết cái tinh chất của thiên nhiên chắt lọc từ một mạch đất mà tạo nên cái vị ngọt độc đáo kia. Ăn nhiều quả dâu tiên người ta thấy mát ra, và có lẽ vì thế nên thiên nhiên cho loài trái cây này chín đúng vào giữa mùa hè. Những chủ vườn dâu thường bận rộn chăm sóc lúc dâu chín, đề phòng chim chóc phá hại. Khi thu hoạch dâu cây nào, người ta hái hết cây ấy, vì nếu hái lẻ tẻ vài chùm rồi bỏ đó thì cơ hồ như đêm đến loài dơi sẽ tìm tới ăn sạch. Mùa dâu chín, con buôn kéo nhau đến ngã giá từng cây để mua sĩ rồi đem chợ bán. Đây là mặt hàng trái cây bán chạy, có lãi nên rất đắt khách. Xưa nay ở Truồi đến mùa dâu chín, quả dâu được dùng làm quà để đi thăm người thân ở xa ; học trò dùng đi thăm thầy nhân kỳ nghỉ hè ; là lễ vật cúng gia tiên nhân tết Đoan Ngọ. Và đặc biệt trong lễ ăn hỏi giữa nhà trai và nhà gái, gặp mùa dâu chín, quả dâu là lễ vật được" nhân cách hóa" theo một ý nghĩa độc đáo để hai bên su gia có thể gởi gắm nỗi lòng của nhau. Nếu nhà trai ở Truồi đi hỏi vợ vùng khác thì người ta mang theo lễ vật, trong đó có một khay dâu chín mọng để biếu nhà gái với ý nghĩa mong muốn có được cô dâu ngọt ngào, hiền thảo. Nếu nhà trai ở nơi khác hỏi vợ ở Truồi thì nhà gái chọn những quả dâu điểm son để mời nhà trai với ý nghĩa mong muốn "của ngon" này phải được người thưởng thức xứng đáng. Vì thế ở đây mới có câu hát :
"năm xưa thầy mẹ bảo em

chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi

để nhà anh tới chịu lời

ăn dâu quả ngọt ngẫm người biết ta"

NGUYỄN TRƯỜNG


http://vn.myblog.yahoo.com/kim_ngoc1010/article?mid=137

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét