Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Sinh nhật 19 của Bi - Những Tiếng khóc và Nụ cười của con

Trước khi sanh con thì Mẹ có vài khó khăn trong việc thai nghén, cho nên bây giờ trong nhà mình mới có bàn thờ ông Quận đó. Đến nổi có người còn bảo mẹ nên nuôi một đứa con nuôi mới dễ sanh, chưa kịp nuôi ai cả thì đã có bầu Bi.

Hồi đó Ba Mẹ vẫn còn làm ở dưới bệnh viện Long Đất. Nhà tập thể ngay trong bệnh viện. Dạo mang bầu Bi, Ba nhớ là Mẹ hay mặc cái áo sơ mi ca rô xanh – trắng. Mẹ thích uống nước dừa, chắc vì vậy mà Bi trắng, vì Mẹ nói hồi có bầu Ky Mẹ lại thích uống café sữa nên sanh Ky ra da hơi đen.



Nói chung cũng không ốm nghén gì lắm. Được 6 tháng, qua Vũng tàu nhờ Bác Chi (vợ Bác Khoa) dẫn vào bệnh viện Vũng Tàu siêu âm. Hồi đó máy siêu âm còn hiếm lắm. Người ta bảo là con giai, riêng cái cô mụ khám bên đó thì cứ khăn khăn là con gái. Cũng thấy vui vui, bởi vì thực sự thì gái trai gì cũng thương và mong hết. Dạo đó cả Bà Nội lẫn Bà Ngoại đều vào ở với Ba Mẹ để chờ sanh Bi.



Cũng đủ ngày đủ tháng nhưng hôm sanh con, Mẹ đau bụng hoài từ chiều mà mãi tới sáng hôm sau vẫn chưa sanh. Lúc 4g kém 20 gì đó, Bà Ngoại nhờ Ba đi lấy đồ cho mẹ. Ba vừa đi ra ngoài cái là Mẹ sanh Bi. Người ta bảo sanh hoài mà không ra đôi khi là do có mặt người chồng, họ tránh đi đâu đó cái là sanh được ngay. Không biết tại sao vậy, nhưng vài người bạn của Ba cũng thế.



Cô Tư Mị đở sanh cho Mẹ, cô Vân chăm sóc cho con ngay sau sanh. Cô bảo vừa lọt lòng Mẹ cái là con đái ngay, văng cả lên bụng mẹ. Cô Mỵ tính tình vui vẻ, cô Vân thì hay cười và trông lúc nào cũng tươi tắn lắm. Có lẽ vậy nên con lúc nào cũng tươi cười cả và hay đái dầm nữa. Còn các cô đó có mút tay không thì Ba không biết mà Bi thì mút tới lớp 9 mới hết, mút tới lép ngón tay cái luôn vì chỉ mút có một ngón đó.



Dạo được 3 tháng, nằm trong nôi là đã thấy con mút tay rồi, khi nào Mẹ cúi xuống thì tay kia con lại nắm lấy tóc Mẹ kéo xuống. Tới lớn lên thì con vẫn vậy, một tay mút, một tay sờ tóc. Thấy con nít mút tay trông cũng dễ thương nên không ai nỡ bảo Bi bỏ tật đó đi cả, nhưng càng ngày càng lớn mà thấy vẫn vậy nên mọi người hoảng lên, la, hù dọa, khuyên bảo mãi không được. Năm con vào học lớp một tại trường Nguyễn Thanh Đằng ở ngã ba Thành Thái, Bà Rịa, thấy có treo cái hình em bé bị hô miệng do mút tay, sợ quá bỏ được mấy tháng rồi cũng mút lại. Lên Sài Gòn học bán trú ở trường tiểu học Thanh Đa thì không mút trong giờ học nhưng về nhà mút bù. Bi nói cho con mút thêm tới khi học Đại học thì thôi, sau đó có xin “gia hạn” tới khi lấy vợ. Nhưng cuối năm lớp 9, trường Trần văn Ơn trên quận I, Bi té cái gãy 2 cái răng cửa dưới xong cái tự nhiên thôi luôn.

Suốt từ khi sanh cho tới đầy năm, ít khi Bi khóc lắm. Cứ thức dậy là mở miệng cười liền. Ba nhớ con khóc đâu như là lúc đi chích ngừa dưới trạm xá Phước Tỉnh. Cô Y tá chích vào đùi con một mũi thuốc, Ba đứng bên cũng thấy đau nữa huống hồ là con, vậy mà con oe lên đâu có 3 tiếng là nín liền. Mấy anh chị con Bác Thọ, Bác Ký, ai cũng gọi con là Cu Cười.

Người ta nói 3 tháng biết lật, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi. Hồi được 3 tháng, nhìn Bi lật trên giường hay ghế bố trông thiệt buồn cười. Con nằm ngửa, lấy cái chân gát qua 1 bên rồi cố uốn cái mình theo, nhưng chỉ nhích lên chút là rớt cái ạch nằm ngửa lại. Thế mà con vẫn cứ hăng hái làm, mười lần thì 1 lần con lật được mình nằm sấp. Khi đó cái mặt con hớn hở tệ. Càng ngày con càng lật thạo hơn và nhanh hơn, không cần Ba Mẹ "đẩy" phụ nữa. Nhưng khi nằm sấp một hồi thì con bắt đầu mỏi mà không tự nằm ngửa lại được, phải è è mấy tiếng cho Mẹ bồng lên.


Bắt đầu thấy mỏi rồi. (À, cái lắc con đeo là của Ôn Lý tự tay làm cho con đấy)

Con được hơn 3 tháng tuổi thì mình dọn nhà về dưới Phước Tỉnh. Tới khi con đúng 7 tháng là con biết bò. Mỗi tối đi ngủ là Bi nằm giữa Ba Mẹ, lật qua lật lại tí là ngủ ngay. Vậy mà tối hôm đó Ba nhớ tự nhiên Bi lật xong rồi bò được luôn, cứ thế Bi vừa bò lổm ngổm quanh mùng vừa cười hinh hích, không chịu ngủ, làm Ba Mẹ cũng phải ngồi dậy coi Bi bò cả tiếng đồng hồ mới chịu ngủ.

Lạ là Mẹ tập đi cho con hoài từ hồi 9 - 10 tháng gì đó, mà con sợ không dám đi. Tới ngày thôi nôi, sáng ra mọi người mặc quần áo và mang giày cho con xong cái là tự nhiên con bước chập chững một mình.

Ba Mẹ vẫn làm ở Long Đất, thỉnh thoảng lên Bà Rịa đi chợ hay mua thêm thuốc cho phòng mạch...đều hay chở Bi theo. Bi hay được Mẹ mặc cho quần Jean xanh, áo thun trắng, giày Bata, đội nón Bere trắng, mang kính mát gọng màu xanh. Lên xe chạy hồi cái là con ngủ gật ngay. Được cái tới nơi tỉnh dậy là cười ngay chứ không khóc. Dắt đi đâu là vui vẻ đi theo đó. Có bữa nào mỏi chân thì đòi Mẹ bồng: “Mẹ ơi! Mẹ bồng con đi, con không nặng chịch nữa đâu!”


Con to bằng con Vá thế này mà bảo là không "nặng chịch"

Ba không nhớ rõ lúc con mười mấy tháng tuổi gì đó, có 1 lần Ba Mẹ chở con lên Sài gòn. Đó là lần xuất ngoại (tỉnh) đầu tiên của con. Đi đường cũng rất ngoan, ngủ là chính. Ngang Long Thành ngừng lại xi đái tí thôi rồi đi thẳng tới Sài Gòn luôn. Cả chuyến đi Ba mệt mà không thấy Bi mệt gì cả.

Bây giờ con cũng đã lớn lắm rồi cho nên con biết nhiều chuyện hơn trong cuộc sống, nhưng có thể con không nhớ những chuyện hồi nhỏ của mình hay có những chuyện con cũng chẳng biết nữa vì nó xảy ra lúc con còn chưa sinh ra. Ba Mẹ thì nhớ nhiều lắm nhưng nói nhiều thì nhiều khi con cái nó lại thấy lẩm cẩm.


Lần đầu tiên đi về Sài Gòn. Hồi đó đường còn vắng lắm


Tiếc là chỉ còn mấy cái hình khi Bi đã lớn rồi không hà.
Ruộng muối Long điền mùa mưa, khi đó người ta không làm muối nữa mà để nước ngập như những cái hồ.



Hồ nước ngọt, ở gần mỏ đá Long Hải

Những nụ cười của con thì không nhớ hết được, nhưng những lần con khóc thì Ba vẫn nhớ rất rõ. Không kể những cái khóc vặt vãnh do đau ốm hay bổ té (chích thuốc, truyền dịch Bi cũng không khóc, trừ cái lần chích ngừa đầu tiên thôi) thì những ngày phải gởi con trong nhà trẻ của Dòng các Soeur Chợ Quán để Ba Mẹ đi làm lúc con độ 2 tuổi, và những lần Ba đánh đòn con khi con lớn rồi.

Ba Mẹ cứ ray rứt vì không có điều kiện tốt hơn cho con, sáng nào con cũng đi với Ba Mẹ tới nhà Dòng, đến khi Soeur dắt con vào trong là Ba Mẹ lật đật quay đi để bớt phải nghe tiếng con khóc thét lên "Ba Mẹ đâu rồi". Không phải các Soeur không thương con, mà vì mình không tìm được người trông con ở nhà trong thời điểm đó. Còn mỗi lần nhớ tới chuyện Ba đánh con khóc là Ba lại không ngớt tự sĩ vả mình vì đã làm như thế. Những áp lực mà Ba phải chịu trong cuộc sống cũng không thể bào chữa cho những lỗi lầm đó của Ba đối với con. Nếu mà con có buồn phiền Ba vì những điều Ba đã làm với con đó, vì thật sự Ba rất đáng trách, thì Ba thiết tha mong con đừng bao giờ làm thế với con của con sau này...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét